CHƯƠNG VI
Cái tội yếu
« Làm nên việc, giúp ích vào đời sống ở xung-quanh ta, bồi bổ cho nó được phong-phú, tô-điểm cho nó được tươi đẹp, gieo rắc thú sống ở chỗ nào có ánh sáng và khí trời... »
Đó là cái tiêu-chuẩn sinh-lý mà chúng ta đã nêu lên trong phần thứ nhất này, để định giá từng người và những cuộc đời, để phân-biệt người khỏe với người yếu.
Người yếu không hẳn là người gầy còm, không hẳn là người đeo bệnh tật, không hẳn là người mắc tội lỗi, không hẳn là người bị thất-bại, không hẳn là người chịu đau khổ. Trong số những người kể đây, có nhiều người vượt lên trên những tai ách của họ, mang gom góp và tập-trung sinh-lực để theo đuổi một sự-nghiệp bổ-ích cho đời. Darwin bị bệnh tê chỉ làm việc một ngày được có hai giờ, Bethoven bị điếc tai, Niezsche và Dostoievski mắc chứng động-kinh....Vậy mà họ để lại cho nhân loại những tác phẩm vĩ-đại làm cho nhiều người tự cho mình là có sức khỏe (?) phải khâm-phục và hổ-thẹn.
Có sức khỏe, ngày nay ta phải hiểu rằng đó là có những năng-lực hoạt-động có thể kết-tinh thành công-việc. Những người yếu là những người chỉ phụng-sự riêng mình và không dự gì vào đời sống ở xung-quanh không làm nên việc gì bổ-ích.
Những người ham-mê vật-dục — những con thiêu-thân — thì lăn mình vào những khoái-cảm êm dịu hoặc gay gắt.
Những người tâm-thần bất-định — những cái chong-chóng — để cho trái tim rung-động dễ dàng tùy theo sự kích-thích tạp nhạp của hoàn cảnh.
Những người trí-thức bất-lực — những con vẹt — lại đi tìm thú sống bằng cách góp nhặt những kiến-thức mà không bao giờ họ đem thực hành.
Ba hạng người ấy đều bất sinh-lực ngừng tụ xung quanh bàn-ngã, làm lấp hẳn con đường giải-phóng, con đường sáng tạo của nó. Rút cục, sinh-lực họ khô cạn dần và họ lâm vào cảnh kiệt-quệ, hoàn toàn thụ động (những bồ-nhìn)
Thường thường người ta hay đứng về phương-diện luân-lý để kết án họ. Người ta cho họ là những người tội lỗi, độc ác và xấu xa. Xét kỹ ra, thì những tính cách ấy không phải là những trạng-thái căn-bản, mà chỉ là những kết quả của những sinh-lực sai-lạc và suy-yếu.
Bao nhiêu tội lỗi mà chúng đã làm như dâm-dục, lười biếng, hèn nhát, dối trá...đều không phải là tự chúng muốn thế. Chúng bị sô đẩy vào con đường lầm-lỗi bởi vì chúng không đủ sức để đi con đường quang đãng. Con đường hạnh-phúc này chỉ để dành cho những người giác ngộ đã giải phóng sinh-lực ra ngoài cái vỏ chật hẹp của bản ngã.
Những hành vi độc-ác cũng chỉ thấy ở những người ích-kỷ, nghĩa là ở những sinh-lực đang quằn quại trong một bản ngã đóng kín. Sự giam hãm ấy cản hết các nguồn sinh thứ không cho lọt vào tới họ. Họ sinh ra bực-rọc, gay gắt, tàn nhẫn, mù quáng.
Và nếu họ bôi nhọ cuộc đời của họ, làm cho nó lộn-xộn, đen tối, quanh quẩn, xấu-xa thì sự truy-lạc ấy cũng không phải tự ý họ. Những điều chê-trách chỉ làm cho họ chìm-đắm thêm mà thôi.
Tất cả những người không làm nên việc, mắc tội lỗi, độc-ác, và xấu-xa,... đều thuộc vào một loại: những người yếu!
Không nên buộc cho họ những trách nhiệm không xứng đáng, không nên ném cho họ những lời bình phẩm nông nổi. Loài người vốn là loài thông minh. Không có một ai muốn đau khổ, muốn xấu xa; không có một ai ngu muội đến nỗi không nhận thấy những điều mình nên làm, phải làm.
Nhưng người ta vẫn cứ phải chạy xuống những cái dốc của tội lỗi, ích-kỷ, và đau-khổ. Đó là tại người ta yếu. Đó là tại sự tác-quái của sinh-lực bị tù-hãm.
Vì vậy nên khi nói đến tội lỗi, đến trách nhiệm thì chỉ nên kể có một tội lỗi, một trách nhiệm. « Làm cho mình yếu đi, làm người yếu đi » đó là đại tội, là cái tội duy nhất nó đẻ ra mọi thảm trạng khác.
Ta nên nhớ luôn luôn rằng tất cả những người mà ta chê trách, khinh bỉ hay thương-hại, chỉ là những người yếu. Họ chỉ phải chịu trách-nhiệm về những hành-vi không sáng suốt của họ nó làm cho sinh lực họ suy sụt. Và cũng chỉ có họ mới tự cứu được họ bằng cách tự giải-phóng sinh-lực của họ. Không ai có thể nhấc nổi cho họ những ống chân mà họ đã đưa vào chỗ bùn lầy. Người ta có thể chỉ dẫn, khuyên bảo, giúp đỡ, kích-thích, thúc dục họ. Nhưng nếu họ không phấn khích để giác ngộ, nếu sự giác ngộ nông-nổi không làm cho họ tự cố gắng, thì họ không thể nào vượt ra khỏi cái vòng khốn-khổ của họ được...
Ta phải nên ghê tởm, nên thù ghét những trạng thái yếu đuối. Ta phải chống-cự với tất cả những cái gì ở ta và ở hoàn-cảnh nó có thể làm cho ta suy nhược. Kém hoạt-động, thờ ơ với công việc, và luôn luôn nghĩ đến bản-thân mình... đó là bậc thang thứ nhất đưa ta xuống vực truy-lạc, xuống cõi chết. Chính vì yếu đuối mà người ta phải lao đầu vào rượu, thuốc phiện, cờ bạc, xác thịt... tuy rằng ai cũng biết những thứ ấy là những thuốc độc. Chính vì yếu-đuối mà người ta sinh ra tham-lam, sợ-hãi, nhỏ nhen, tàn ác, ích-kỷ. Chính vì yếu đuối mà mới đây cả một thế-hệ thanh-niên đã nâng người đàn bà lên địa-vị một thần-tượng và đã đặt hạnh-phúc tuyệt đối lên trái tim mỏng manh của người yêu. Họ sợ hiu-quạnh, sợ cô-độc, rủ nhau đi trốn cái trống rỗng của tâm-hồn. Mê-man nhất, hèn nhất là những kẻ chiến-bại. Những sự thử-thách của cuộc đời đã làm thương tổn lòng tự-ái của họ, và họ thấy cần phải đi tìm một « tâm-hồn bạn », một bàn tay an-ủi. Sự thực, họ chỉ đem phí nốt cái tàn-lực của họ trong sự mơ-mộng, sự dâm-dục. Ái-tình, đối với họ thì là một địa-ngục đầy tội-lỗi, đầy đau khổ...
Muốn tìm thấy hạnh phúc ở ái-tình, cũng như ở tình bạn, ở gia-đình, ở công việc, ở xã-hội, điều-kiện cần thiết nhất là sức khỏe. Một người yếu làm hỏng hết mọi thứ tốt lành, một người yếu không được hưởng cái đẹp đẽ ở đời cả.