Nhảy tới nội dung

Kết luận

Cuốn sách này đưa đến hai tác động: — Khu trừ những thái độ phản sự sống. — Thiết lập những cuộc đời linh hoạt.

Những thái độ phản sự sống là muôn nghìn hình thức của lòng vị kỷ. Ở một người vị kỷ, sinh lực lúc nào cũng bị ràng buộc, bị uốn nắn, bị đè nén trong một bản ngã đầy hoặc mỏng, to hoặc nhỏ, nặng hoặc nhẹ, nhưng hoàn toàn đóng kín.

Sự cầm-tù sinh-lực ấy là nguyên nhân mọi thảm hoạ của loài người. Nó đẻ ra những bệnh tật, những tội lỗi, những cuộc xô xát khốc liệt, những cảnh đói rét lầm than, những tình trạng im lìm của những xã hội cơ-cực và ngu muội, những hiện-tượng xấu-xa thô-bỉ do những kẻ cuồng dại gây ra... tóm lại, tất cả những cái mà ta thường mệnh danh là sự hệ-lụy của kiếp người. Thực ra sự hệ lụy này chỉ là một sản phẩm hoàn-toàn nhân-tạo. Ta có thể rứt bỏ được nó nếu ta hiểu biết đến cỗi-rễ và bản-chất của nó. Giác ngộ tức là chiến-thắng. Biết để hành-động, hành-động để biến-cải. Đó là cái cơ giải-thoát của con người. Mà, ở đây, biết chỉ có nghĩa là phải nhớ rằng sự hệ lụy kia không phải là kẻ thù chính của ta. Kẻ thù chính của sự sống, của chúng ta, là bản-ngã và tất cả những cái gì dung túng hoặc phò-tá nó.

Vậy ta phải nhằm vào bản-ngã mà công-phá. Ta phải luôn luôn nhận xét ở chính mình ta và ở chung quanh ta, để cương quyết và phá đổ tất cả những tình, những ý, những lời, những việc, những thói, những tục, những luật... có tính-cách vị-kỷ hẹp-hòi độc-ác, chỉ làm lợi cho một người hay một hạng người và làm hại cho toàn thể đồng-loại.

Đó là một sự giác-ngộ sâu xa và mãnh-liệt nó làm cho ta hiểu rõ bản-thể của ta và hoàn cảnh của ta. Nhờ đó, ta mới tránh được những con đường lầm-lạc, ta mới có thể thiết-lập được cuộc đời hoạt-động phóng-khoáng.

Tự hỏi rằng: «Ta muốn gì?» hoặc ta không muốn gì?» là còn bị lúng-túng trong vòng bản-ngã.

Những thứ dục-vọng ích-kỷ ấy lôi kéo sinh lực vào những viễn-tưởng xa xôi, trong lúc nó cần phải giao-động trực-tiếp với cuộc sống hiện tại để phát-triển.

Lương-trí của ta cần phải thiết-thực hơn nữa khi nó dự vào đời sống. Nó phải khám-phá ra những năng-lực đặc biệt của ta, của cái ta đã bị đặt vào giữa bao nhiêu ảnh hưởng khác nhau. Nó phải tìm cho ra khuynh hướng của ta, cái sở trường của ta, cái động-cơ đưa ta vào công việc và cất ta lên trên những ràng-buộc và những lầm-lẫn của bản-ngã.

Thông minh đến tàn-nhẫn, nó phải gạt cho ta cái băn khoăn của một kẻ «muốn sống như thế nào?». Và phải thế vào đây cái mệnh-lệnh quyết-liệt của con người giác-ngộ: «Phải sống như thế nào?»

Cái cơ giải-thoát của ta chính là ở tính-cách bắt buộc, độc đoán đó của cái sở-nguyện bình-sinh: «vượt ra ngoài vòng bản-ngã». Nó có thể làm cho ta đói rách, vất-vả, cô-độc, khổ nhục, nó sẽ rầy vò ta, nó sẽ hun đốt ta, nó sẽ hành hạ ta đủ mọi cách. Nhưng cần gì? Nẻo sống là ở đó. Nghi lực ở đó. Lòng tin ở đó. Tất cả ở đó. Kẻ nào liều mạng thì mới cứu được cuộc đời của mình. Kẻ nào không lo cho mình thì mới thực là sống cho mình. Kẻ nào không làm cho mình thì mới thực là hoạt động. Kẻ nào không muốn có nghị lực thì mới thực là có nghị lực.

Rút cục, SỐNG và CHẾT phản trái nhau như sáng với tối, như trắng với đen, như lửa với nước. SINH LỰC với BẢN NGÃ cũng vậy. Ta hãy chọn lấy con đường mà đi.

Tháng ba 1942