Nhảy tới nội dung

CHƯƠNG V

Giải phóng sinh lực

Chống lại với những thói quen có từ lâu năm, cương lại với một bản-ngã ươn-hèn và khao-khát... đã là một điều khó.

Quên thân mình đi, quên cả cái bản-ngã to lớn nó làm chủ đời mình đi, để yêu cảnh vật, yêu nhân loại, đó là một điều khó nữa.

Hai phương-pháp trên đây (vừa nói ở chương III và chương IV) chỉ có thể đem ứng-dụng trong những trường-hợp đặc- biệt, trong một thời-hạn ngắn-ngủi.

Sau những tai nạn mà ta thấy rõ rằng bản-ngã là thủ-phạm, ta dễ phẫn-khích, ta dễ dùng trí-tuệ và tình-cảm để đưa sinh-lực vượt ra ngoài vòng bản-ngã (trường-hợp tốt để khôi-phục sức-khoẻ).

Lại có khi đời sống xã-hội làm cho ta đau-khổ quá, bản-ngã ích-kỷ rầy-vò ta quá, ta thấy chán ghét cả hai thứ ấy, và ta vui lòng rứt bỏ chúng để đi tìm thiên-nhiên hay đi tìm những bạn đường đau khổ (trường-hợp tốt để đi tìm nguồn sống).

Tuy vậy, ở hai trường-hợp ấy, bản-ngã chỉ bị đánh lui hoặc bị bỏ quên mà thôi. Nó vẫn còn. Và nó sẽ nổi dậy để ám- ảnh ta, để làm hại ta. Nó sẽ phá đổ cả những công-trình ta đã gây dựng được khi vắng nó. Nó sẽ trả thù mà công-kích dữ hơn nữa.

Vì vậy, nên ta thường thấy có nhiều người, sau một thời-kỳ tu-luyện khôn-ngoan, lại sinh ra truy-lạc khốn-nan; ta lại thấy những đạo-sĩ, những chân-nhân, những người đã có lúc hy-sinh cả đời mình để tha-thiết yêu thiên-nhiên và nhân loại, ta lại thấy những siêu nhân ấy rơi về cái vực ích kỷ của người thường, mà lại ngã xuống sâu hơn nữa!

Trong trận chiến-đấu của sinh-lực với bản-ngã, sinh-lực — có trí tuệ giúp sức — phải công phá luôn luôn, không ngừng tay lúc nào. Hoãn binh một lúc, tức là để cho bản-ngã lấn át và chiếm lại trận-địa.

Ta chỉ nên coi hai phương-pháp kể trên, như những chiến-thuật ầm-ỹ và ồ-ạt để đánh lui bản-ngã trong chốc lát. Phần quan-hệ nhất trong chiến-lược là phải điều-khiển thế-công liên-liếp bằng những trận nhỏ, nhưng mà vững thế, thắng thế. Mỗi bận sinh-lực tiến lên được, dù chỉ là một bước — là đã đánh được một đòn nặng vào bản-ngã, làm cho nó sứt mẻ dần dần. Và cứ những trận nhỏ như thế, đánh mãi, cho đến khi nào bản-ngã tan-tác không còn một mảnh nào nữa. Lúc đó, sinh-lực mới hoàn-toàn giải-phóng, lúc đó chúng ta mới làm việc được hăng hái và lâu bền. Lúc ấy chúng ta mới có nghị-lực và mới có thể làm được bất cứ điều gì ta muốn.


Vậy ta phải làm thế nào để đánh tan hẳn bản-ngã, để giải-phóng sinh-lực?

Trước hết, ta hãy rứt hẳn với nhân-sinh-quan cũ của ta, như ta cởi bỏ một cái áo cũ, chật hẹp và rách nát không thích dụng và không có giá trị gì nữa. Cuộc đời không phải là một cõi đầy khoái-lạc; người ta không phải là những con vật sinh ra để đi tìm thỏa-mãn cho xác thịt, hoặc cho tình cảm, hay cho trí tuệ. Hai chữ hạnh-phúc (hiểu theo nghĩa là yên-ổn, no đủ, khoái lạc) phải đem gạch bỏ đi như một nọc-độc nguy hiểm. Nó mê hoặc người ta, ám ảnh người ta nhưng một câu thần chú ma quái, nó làm cho người ta nhút-nhát, sợ-sệt, mềm-yếu; nó rút nhỏ phạm vi của cuộc đời, lột hết trách nhiệm của con người!

Đi tìm hạnh-phúc (!) không phải là ý nghĩa cuộc đời dù ta muốn cho hạnh-phúc ấy là một phận-sự, hay một lý-tưởng, là một cái gì cao quý vĩ đại nữa.

Cái giá-trị của một người — mà chúng ta ai cũng biết thế — không phải là chỗ người ấy có nhiều tài-sản, nhiều danh-vọng, nhiều điều-kiện thuận-tiện để hưởng khoái-lạc. Ngay trong khi cả một xã-hội đăm chiêu vì danh lợi, tự trong thâm tâm những kẻ tham lam cũng thấy bất-mãn về những thần tượng họ vừa phụng sự vừa khinh bỉ những của giả hiệu. Họ vẫn phải cúi đầu khâm-phục những người nghèo hơn họ, nhưng có nhiều năng-lực hoạt-động và ít dục vọng ích kỷ. Họ cảm thấy rõ-rệt những người nghèo hơn họ, khó khăn hơn họ, tuy rằng bề ngoài, vì lòng tự-ái họ vẫn làm ra bộ coi thường.

Từ khi loài người là loài người, bao giờ những sinh-lực mạnh mẽ cũng vẫn được coi là những kiểu mẫu mà nhân-loại chiêm-ngưỡng. Trong những xã-hội giã-man lầy, sự đánh giết nhau làm thỏa thích, cũng như trong những xã-hội mục-nát lấy sự chơi làm cứu-cánh cuộc đời, cái phần danh-dự thực bao giờ cũng để dành cho những sinh lực quật-cường lấy hoạt-động làm lẽ sống. Những người này không bao giờ nghĩ đến hạnh-phúc, chính vì thế mà không bao giờ họ khổ-sở. Nghĩ đến hạnh-phúc, là bắt trí tuệ tình-cảm và xác-thịt đứng dừng lại, và ngưng-tụ ở xung-quanh một viễn tượng, một ảo-tưởng. Hạnh-phúc (!), vẫn sí Maeterlinck đã ví nó như một con chim xanh phải nhốt ở trong lồng, để ra ngoài thì nó bay mất. Đi tìm hạnh-phúc chỉ là công-việc ngu dại của những kẻ cố rút hẹp cuộc đời để mua lấy những cái vui miễn-cưỡng giống như những con chim xanh phải nhốt ở trong lồng.

Quan-niệm hạnh-phúc là một quan-niệm thụ-động, phản sự thực, không chịu đứng vững được. Nó phải nhường chỗ cho những cái gì linh-động, thích hợp cho sự sống hơn. Mấy năm trước, hồi văn-hoá tư-bản còn thịnh-hành, Daniel Rops đã tiên-đoán khuynh-hướng của những thế-hệ thanh-niên mới. Ông viết :

"Cuộc đời không phải là một trò vui, sống không phải là đi tìm lạc thú, đi tìm những mỹ nghệ để tô điểm sự rong chơi. Đời là trường chiến đấu. Sống là chiến-thắng, là hoạt-động mạnh mẽ và có hiệu- quả. Giá-trị của con người là ở sinh-lực, ở nghị-lực hành động, nghị-lực sáng tạo."

Đến đây, ta phải phòng ngừa một sự hiểu-lầm. Sống là chiến-đấu. Những kẻ tham-lam những kẻ hãnh-tiến, những kẻ đi tìm hạnh-phúc ích-kỷ... sẽ cho là họ cũng chiến-đấu, họ cũng sống. Trong phần thứ hai của cuốn sách này chúng ta đã thấy rằng sự chiến-đấu hẹp-hòi của họ đưa họ tới đâu rồi.

Nhưng ta cũng cần phải rõ ràng muốn sống cho ra sống, thì người ta phần đấu cho cái gì và phần đấu như thế nào?

Trước hết, ta không phần-đấu cho ta, cho bản-ngã của ta, hay nói rõ hơn, cho lòng tư-ái của ta. Một nghệ-sĩ, trong khi mê-mải đi tìm vẻ đẹp của vũ-trụ, đã làm bia cho bao nhiêu mũi tên gièm-pha nhạo-báng của gia-đình xã-hội. Nhiều nhà bác học phải bán cả gia-tài để phụng-sự chân-lý đến khi phải chịu bao nhiêu nỗi hành-hạ của những đồng-loại hủ-lậu và độc-ác. Còn biết bao nhiêu người, trong khi làm việc, đã quên cả lúc già yếu bệnh, quên cả đến thân mình nữa! Những người ấy phấn-đấu cho nghệ- thuật, cho khoa học, cho nhân-loại những người ấy chống lại với giặc bệnh, giặc đốt, giặc xấu. Mục đích đời sống của họ không ở họ, mà ở ngoài họ. Trên con đường khắc-khổ đi tìm những thứ không phải để cho mình, không bao giờ họ chồn chân mỏi gối. Có điều là, là có bao-nhiêu sinh-lực trút cả ra ngoài, vậy mà lúc nào họ cũng hăng-hái, gan góc, liều-lĩnh. Họ làm việc cho đến tận lúc chết, và tuy thân-xác đã già yếu hư hỏng, lòng họ vẫn trẻ như khi mới nhập cuộc. Đó chính là tại sự làm việc chuyên cần đã phá cho họ cái bản-ngã tai-hại, đã hoàn-toàn giải-phóng sinh-lực cho họ.

Lúc đầu, có lẽ họ còn tư-ái, còn ích-kỷ, còn tâm-thương như muôn vạn người khác. Nhưng sự làm việc, sự cố gắng sự kiên-nhẫn lâu dần biến họ thành những người khác, giàu sinh-lực và xa nghèo bản-ngã đi. Phép thần-thông của cuộc đời hoạt-động đã làm cho chính họ phải ngạc nhiên vì những sự thay đổi mà họ được hưởng-thụ. Người ta coi sự làm việc là một tôn-giáo cũng chẳng có gì quá đáng. Emile Zola đã viết :

"Tôi tha thiết cầu khẩn ngài nên tin-tưởng ở sự làm việc. Chúng ta sinh ra chỉ để mà làm việc, rồi chết đi; đời không có nghĩa gì khác đâu. Ta hãy nhận lấy phận sự của ta. Dù nó hèn mọn, nhưng sự cố gắng của ta cũng đã làm cho ta vui-vẻ, sung-sướng, cương-nghị".

Ta đừng cho rằng công việc làm phải to lớn, rực-rỡ. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, nếu ta muốn làm việc, thì không có gì ngăn trở được. Sự thỏa-mãn của lòng tư-ái có quan hệ gì! Điều cần là ta chuyên-tâm, chú ý được, trút hết sinh-lực của ta ra ngoài ta, cho nó giao-động với những động lực khác trong nhân-loại, trong vũ-trụ. Đó tức là khám-phá, tức là sáng-tạo. Miễn là ta đã làm hết sức ta, trong cảnh-ngộ của ta, với những điều-kiện có thể của ta, thế là đủ rồi. Ở đời chỉ có mỗi một tội, một đại tội: sự im lìm, sự lười biếng, sự thối-nát. Nguyên giám-quốc Tiệp khắc là Masaryk chỉ có một châm-ngôn trong suốt cuộc đời hoạt-động rất mãnh-liệt của ông: "tùy cảnh-ngộ, làm được đến đâu thì làm"; (faire ce que l'on peut, où l'on est).

Cái bí-quyết ở đây, là không lúc nào để cho bản-ngã lò đầu ra mà tác-ác được. Nhưng ta không thể đi trốn nó được, cũng không thể đánh thắng vào nó được.

Điều cốt-tử, là phải nuôi ở trong lòng ta một ý muốn rất nồng-nàn, rất sôi-nổi, rất dai-dẳng. Để nó rung động tâm hồn ta, đốt nóng cơ-thể ta, để nó xua đuổi cho ta giấc ngủ lười biếng, và, những sự lo-âu, những bệnh-tật, những phiền não lặt vặt. Cái ý muốn ấy phải luôn luôn kéo sinh-lực ta ra ngoài bản-ngã, bất cứ bằng cách nào, bất cứ là đi đâu, bất cứ là đến đâu. Đó là cái lửa làm cho ta sống, cái lò-xo luôn luôn căng mạnh để khua động sinh-lực ta.

Nói về bản-thể, thì cái lửa sống nó hun nóng những tâm-hồn cao-đẳng, những siêu-nhân cũng không khác gì cái lòng dục tầm thường của mọi người. Căn-bản của sự sống, ở đâu, cũng là sinh-lực. Một người nhiều ý muốn, một người giàu hy-vọng, một người ham hành-động là một người đáng quý, gấp trăm lần những người bạc nhược, biết nhiều, nhưng muốn ít, làm ít. Nhưng người sau này không có giá-trị gì, không thể có bản lĩnh gì. Hình-như Khổng-Tử ngày xưa đã ví họ như những tấm gỗ mục nát không thể chạm trổ được. Trong đạo Phật, có hai chữ “diệt dục” rất nguy-hiểm. Đã có, người làm hiểu, đem cố diệt hết những ý muốn bình sinh của mình, và đem đấy dọa thân thể và tâm-hồn bằng những cách tu-luyện khắc-khổ. Rút cục, họ đã không lên được cõi niết-bàn, mà lại phải sống một cuộc đời rối loạn và đau-khổ gặp mấy người thường. Vì muốn được sung-sướng, họ đã dại-dột cố tình dập tắt cái lửa nó làm cho họ sống. Ngạn-ngữ tây có câu "Qui veut sauver sa vie, la perdra" (kẻ nào muốn mong lên thiên-đường, chỉ làm hỏng đời của mình), chính là ám-chỉ bọn ngây ngô ấy.

Dục-tình là gốc của sự sống. Ta không thể vùi dập nó. Nhưng, trái lại, cũng không thể để cho nó mù-quáng chạy theo bản ngã ích-kỷ và hèn-nhát. Chức-phận của nó không phải là phụng-sự bản-ngã. Nó phải được phát-triển theo cái đà thiên-nhiên của nó: vượt ra ngoài bản-ngã, giao-cảm với những động-lực khác trong vũ-trụ, linh-động luôn-luôn, biến đổi luôn-luôn, sáng-tạo luôn luôn. Những vĩ-nhân, những người có nghị-lực mà ta khâm-phục cũng chỉ có một bản-chất như ta, những dục-vọng như ta, một sinh-lực như ta. Có điều khác là những dục-vọng của họ không ích-kỷ, sinh-lực của họ hoàn-toàn giải-phóng. Nhiều khi, trông bên ngoài, họ cũng chẳng khác gì ta, họ chỉ có một đặc-điểm là không cần gì hạnh-phúc, không cần gì bản-thân của họ. Đó chỉ là một cái điểm nhỏ, nhưng đó cũng là tất cả.

Phải, chính cái đặc-điểm "không cần" ấy, cái tính-cách phóng-khoáng liều-lĩnh ấy của sinh-lực đã tạo ra những cuộc đời hoạt-động đẹp-đẽ. Ở đây, ta không thấy cái bộ mặt đăm-chiêu nhăn-nhó hoặc hã-hê kiêu-kỳ, cái bộ mặt tục-tằn bẩn-thiểu của một bản-ngã đói-khát. Ở đây, là một sinh- lực ngang-tàng, là một lòng tin vô-tận, một sứ-mệnh lạ-lùng, một nguyện-vọng mãnh-liệt nó nâng con người lên trên tất cả những ràng-buộc của hoàn-cảnh, đưa người ta ra khỏi vòng đời nhỏ hẹp của một người, bắt người ta phụng-sự — sung-sướng mà phụng-sự — một cái gì ở ngoài người ta, ở trên người ta, nó bắt người ta nhận lấy nghèo đói, nhận lấy sự thức khuya dậy sớm, nhận lấy sự cô-độc, nhận lấy mọi sự hành-hạ của người đời, nó bắt người ta hy-sinh hết cả hạnh-phúc, hết cả sức lực, mà không hề hứa hẹn đền bù cho người ta bằng một cách nào cả. Ta hãy nghe Panait Istrati ca tụng cái quyến rũ kỳ-lạ ấy mà ông gọi là cái sở nguyện bình sinh của ông:

"Tôi phải chống cự lại với tất cả để sống theo chí-nguyện của tôi, và suốt trong ba mươi năm giời, lẻ gót đó đây, cái chí-nguyện rất giản-dị của tôi là sống, không có cái gì đánh đổ được.

"Đã bao nhiêu người quen kẻ thuộc nói xấu tôi; đã bao nhiêu lần mẹ tôi khóc để ngăn-cản tôi, khóc cho đến nỗi mẹ tôi phiền mà chết, đã bao nhiêu lần bè bạn cầu-khẩn tôi, dỗ-dành tôi, và cũng bao nhiêu lần tôi bị đói, bị khổ vô cùng, nhưng trên con đường tôi đã vạch cho tôi, không bao giờ tôi quay trở lại. Cho đến bây giờ tôi cũng vẫn phải đi hoài, tôi vẫn cứ phải sống theo cái định-mệnh của tôi."

Panait Istrati thuộc vào hạng những người "bất-trị", chấp cả gia-đình, chấp cả dư-luận, chấp cả hạnh-phúc, và chấp cả đau-khổ. Bị thúc dục đi tìm một vẻ đẹp trong trời đất, một sự thật trong lòng người, bị những cảnh trời nước mênh mông kêu gọi, bị những xã-hội loài người ở xa-xôi quyến rũ... họ bỏ cả nhà cửa, vợ con, công danh, phú quý để đi theo những sứ-mệnh lạ lùng. Đông hơn nữa, để gặp hơn nữa là những người ra đời với một sở-thích giản-dị, nhưng nồng-nàn: họ chỉ muốn làm một người thợ, một thầy thuốc, một nhà văn, một người giống hoa, một thầy giáo dạy học... Họ tha thiết muốn, hâm-hở muốn, họ chịu nghèo, chịu cực để được sống vì muốn, họ vẫn tin rằng như thế họ mới là họ, phải, như thế họ mới sống. Vì vậy cho nên, trong một xã-hội mà hầu hết các sở-nguyện bị đè-nén cả, hầu hết những mầm tài-hoa bị tàn-rụi cả, ta không thể vin vào những hành-vi miễn-cưỡng hằng ngày để hiểu biết từng người được. Phải trông thấy A trong lúc A chơi đàn, phải trông thấy B trong lúc B chữa máy, phải trông thấy C trong lúc C diễn kịch, thì ta mới thấy A là A, B là B, C là C, ta mới thấy họ là người, sống và đẹp và có ích. Từ xưa đến nay, các nhà giáo-dục sáng-suốt đã rát cổ than phiền về sự độc-đoán của các gia-đình trong việc chọn nghề cho thanh niên. Phần đông bị lạc đường, bị dồn vào những địa-vị ngang trái, không thích-hợp với tài-năng và sở thích của họ. Sinh-lực không phát-triển được bản-ngã càng dày đặc thêm ra, họ bắt buộc thành ra những người nhiều tự-kỷ.

Đó là một điều rất quan-trọng, không những cho sinh-lực, cho sức khỏe của mỗi người chúng ta, mà cho cả sự sinh-hoạt và cuộc tiến-hóa của nhân loại nữa. Trách-nhiệm của gia-đình ở đây rất lớn. Gia đình là cái vườn để ươm những bạt giống khác nhau. Nếu người làm vườn không khôn ngoan trong cách vun sới thì không hạt nào trổ hết được những năng lực và tính-cách đặc biệt của nó. Những cây mọc ra sẽ ẻo lả hoặc cằn cỗi. Ta hãy nghe những lời chỉ trích hí-lộng và chua cay của Panait Istrati: "Bao nhiêu nỗi đau khổ của người đời chỉ tại một nguyên-do: không làm theo cái sở-nguyện thiêng liêng của từng cá nhân." Một đứa trẻ khỏe mạnh thích chạy nhảy ngoài vườn, ưa sự hoạt động ở chỗ rộng rãi, nó thấy rõ rằng "trời sinh ra nó để chăn lợn, vui vẻ mà chăn lợn." Thế rồi, bỗng chốc các bậc cha mẹ bắt nó về nhà, đặt nó trước dương cầm, dúi tay nó bắt đập lên những phím đàn, muốn biến nó thành nhạc sĩ. Vâng, nó cũng thành nhạc sĩ. Nhưng, than ôi! nhạc sĩ ấy đờn như chọc vào lỗ tai người ta, làm cho người ta phát điên. Hoặc cha mẹ lại muốn cho nó thành thầy thuốc, thầy thuốc để giết người. Dù cho nó học nghề nào, mà trái với sở thích của nó, cũng sẽ thành lố bịch như những con khỉ trong các gánh xiếc, ngồi ngơ ngác trên lưng chó để chào khách, làm cho ngay những con chó kia cũng phải lạ lùng ngơ ngác.

Xét kỹ ra, việc giáo-dục gia-đình không phải là tất cả trong sự phát-triển của sinh lực. Nhiều khi còn phải kể đến những ảnh-hưởng xấu-xa của nòi giống, của sông núi, của thời đại, của những điều-kiện sinh lý phức-tạp. Những thứ này, có khi kết-tinh lại để gây cho ta một khuynh hướng, một sở-nguyện mãnh-liệt mà gia đình không kiềm-chế nổi. Nhưng, thường thường khuôn-khổ, xã-hội nhào-nặn chúng ta, làm mòn hết, những góc cạnh của, nguyên-tính; chúng ta thường không biết chúng ta sở trường về cái gì, và không biết đi về nẻo nào để đi tìm lối sống. Trong tình trạng lờ mờ ấy, mỗi cá nhân cần phải giác-ngộ để thoát ra khỏi vòng kiềm-kẹp của các thành-kiến, để tìm thấy bản thể mình, sinh-lực mình, và — hay hơn nữa — tìm thấy con đường phát triển, con đường giải-phóng của nó.

Ý nghĩa của sự sống chỉ có thế. Dù chúng ta làm việc gì, ở chỗ nào, dù ta có lâm vào những cảnh ngộ khe-khắt đến đâu, ta cũng cần phải có ở trong lòng ta một ánh lửa dẫn đường. Ta phải biết, phải nhận cái việc có thể làm được, ta phải làm cho được, việc đó to hay nhỏ không quan hệ gì. Nếu gia đình và xã hội chưa giúp cho ta tìm thấy con đường của ta, thì tự-ta phải đi tìm lấy nó. Công việc ấy rất cấp bách, không thể trì hoãn được. Sinh-lực của ta ngừng tụ lâu rồi, im lìm lắm rồi, phải khua động nó ngay, phải đảo lộn ngay nó. Những cách tỉ-mỉ, để luyện tập thân thể và tâm-hồn, những cách khôn ngoan để đi tìm nguồn sống ở thiên nhiên và ở đồng loại... sẽ không có hiệu quả gì nếu ta chưa nhận thấy mục-đích của ta, nếu cái sở thích, sở nguyện của ta chưa bốc lên như một ngọn lửa để đốt nóng những tế bào của ta, những tình cảm của ta, cái trí tuệ của ta.

Trái lại, một khi lòng ta đã quyết rồi, thì mọi việc đều dễ dàng cả. Tiến theo cái đà phóng-khoáng của sinh-lực, ta gạt bản-ngã ra bên đường để khôi phục sức khỏe. Ta lại đi vào nhân-loại, đi vào thiên-nhiên, không phải để cầu xin, mà là để phóng-khí cái sinh-lực bồng-bột của ta. Ta không còn là một anh nhà nghèo nhút nhác, hay là một anh biển lận lo sợ nữa. Tự nơi ta, một nguồn sống chảy ra ngoài, chảy hoài, chảy mãi, không bao giờ ngừng, không bao giờ cạn, hình như từ ngoài có những nguồn sống chảy vào ta theo những con đường bí mật mà ta không biết. Đắm mình trong luồng sinh-khí của muôn vật, hăng hái như con đại bàng văng mình vào gió bão, vững vàng như kình-nghê lươn trong làn nước muôn trùng, ta thừa sức lực để chống đỡ, để chịu đựng, để cố gắng, để chờ đợi, để chiến-đấu, để thù-ghét, để yêu-thương, để tàn phá, để kiến-thiết, để luôn luôn hoạt động, luôn luôn sáng-tạo.

Thắng được bản-ngã, ta đã đánh lui luôn được thiên-hình vạn-trạng của sự chết — (những bệnh tật, những tội lỗi, sự lười biếng, sự ỷ lại, những cử chỉ độc ác, những trạng-thái quanh quẩn, mờ ám, những thái-độ lệch-lạc cực-đoan xấu xí...)

Giải-phóng được sinh-lực, ta sẽ giải-quyết như không tất cả những vấn-đề quan-thiết đến sự sống.