CHƯƠNG I
Nghị lực
Nghị là cứng, là bền vững, lực là sinh lực (1).
Nghị-lực là sinh-lực cứng-cỏi, bền-vững. Một người có nghị-lực là một người có cái sinh-lực đặc-biệt ấy. Nhưng đó mới chỉ là những chữ, những danh-từ, rất xa sự thực, rất lờ-mờ, rất trừu-tượng. Ta cần biết, ngay trong đời sống xung quanh ta đây, những người nào là những người có nghị-lực?
Một kẻ si tình vượt hết mọi cản trở để chiếm-đoạt người yêu; một thanh-niên nghèo cố học để được làm quan; một người dùng hai bàn tay trắng mà làm nên sản-nghiệp. Ở những người ấy, vài trò sinh-lực đã làm nên được việc đã giúp người ta chinh-phục một báu vật; nó đã nâng người ta lên một địa-vị xã-hội quan-trọng; nó đã gây dựng cho người ta một công-trình qúi hóa. Sinh-lực đã tạo ra những kết-quả rõ ràng. Hơn nữa, người ta đã tập-trung và hướng-dẫn nó một cách khôn ngoan, người ta đã làm được như ý muốn.
Hằng ngày, những người thành-công ấy — bởi vì họ thành-công — được coi là những người có nghị-lực. Tùy theo trường-hợp, người ta gọi họ là những người "bền gan," "vững chí," hoặc "có nhiều ý-chí"... Và người ta lại cho rằng chỉ có những người có gan, có chí, mới thành công được, thì mới là những người có nghị lực.
Ta hãy xét lại cách định-nghĩa thông thường này.
Trước hết ta hãy xem "những người gọi là có nghị-lực ấy" có thật là có nghị-lực không? xem sinh-lực của họ có thật là cứng-cỏi bền-vững không?
Kẻ si-tình say-đắm kia đang miệt-mài cố gắng là vì còn đang hy-vọng một chút lòng đoái tưởng của người yêu, hoặc còn đang bị một tấm lòng hiếu-thắng nhỏ-nhen thúc giục.
Một khi hắn biết rõ ràng: "đài gương không soi đến dấu bèo" nữa, hoặc sau khi hắn đã toại nguyện rồi thì bao nhiêu lò so đứt hết, bao nhiêu sinh-lực tàn hết, hắn chỉ còn là một khối thịt sơ xác và im lìm. Nhiều khi, "những con chiên của Ái-tình" ấy lại không còn đủ sức để mà sống nữa, và phải mượn một sợi dây để kết-liễu cuộc đời, nếu họ không ẩn nấp dưới cửa bồ-đề hay dưới bóng đèn phù-dung tiên-tử.
Thư-sinh kia bị hút dẫn tới một mảnh bằng nên đêm ngày học tập mê-mải quá chừng. Nhưng khi "công đã thành, danh đã toại," thì sức lực cũng hồ tan. Lúc bấy giờ, ngoài cái công việc bắt buộc ra, thường chỉ xếp sách vở và tìm những thú thanh nhàn để tiêu dao ngày tháng. Người ta thường phàn nàn ô xứ ta thiếu nhân-tài trí-thức, phải chăng chỉ bởi sự "chạy vội" kia đã làm cho nhiều người vấp ngã?
Còn những nhà doanh nghiệp ngang tàng kia, họ theo đuổi cuộc đời hoạt động được đến lúc nào? Đến lúc mà sự phú qúy mang cho họ đủ những điều kiện để hưởng những khoái-lạc mong ước, hoặc đến lúc một sự thất bại bỗng làm rạn đứt hết hết bộ thần kinh căng thẳng của họ. Đó là nguyên-nhân của những cuộc đời hành-lạc "r ối già" rất thô bỉ của "những kẻ hãnh-tiến, nguyên-nhân những vụ tự tử vang lừng của những ông vua tiền bị vỡ nợ..."
Xem như vậy, thì sinh lực của những người gọi là có gan, có chí, có lẽ là những sinh-lực cứng cỏi — vì có va chạm và đắc thắng — nhưng không phải là những sinh-lực vững bền. Cuộc đời hoạt-động của họ rất mong-manh và thường ngắn-ngủi. Họ không phải là những người có nghị-lực theo nghĩa đầy-đủ của cái đức-tính (?) ấy.
Và cũng vì thế nên những công trình gây dựng của họ cũng thiếu nhiều tính-cách đẹp. Là những kết quả của lòng vị-kỷ eo hẹp, những công trình ấy không giúp gì mấy cho đời sống của người khác. Hơn nữa, kẻ si-tình, kẻ hiếu danh, kẻ hám lợi, trong những lúc đăm-chiêu gay gắt, thường đẫm lên chân kẻ khác mà đi, nếu chúng không tàn-nhẫn gạt mọi người xuống hẳn bên đường cho rộng lối! Những hành-động của chúng áo-ào như gió bão, tàn-phá nhiều hơn là kiến-thiết. Nhưng, cũng như gió bão, những hành-động lộn sộn ấy qua đi rất chóng, và không để lại một di-tích gì đáng quý.
Đứng ngây về phương diện sướng khổ cá nhân, thì những người nói trên cũng chỉ nhân được trong sự sống những cảm-giác gay gắt (trong lúc tranh-đua) hoặc êm-ái (trong lúc thỏa-mãn) rất nông-cạn. Những cảm-giác ấy đều do một sự rung-động rất khó-nhọc, rất chậm-chạp của những xác-thịt mệt-mỏi, của những tâm-hồn cằn-cỗi. Những nhịp điệu trong bản đờn hạnh-phúc (?) của họ đều ăn theo cái nhịp điệu rất hỗn-loạn của những canh tranh cơm giật áo, của những vòng danh lợi đua chen. Và như những thanh-âm phát ra, bị chen trong một khuôn-khổ xã-hội chật hẹp, không vang-động được, sinh ra quanh-quẩn, dè-dặt, nặng-nề...
Nói tóm lại, hai chữ nghị-lực phải để dành cho những người thực khỏe, thực quang-đại, thực đẹp đẽ, thực sung-sướng. Trên sân khấu cuộc đời mới, những vai nghị-lực giả-hiệu trên kia sẽ phải lui vào trong bóng tối.
Một nghị-lực không những là một "sinh-lực cứng cỏi, mà cần nhất phải là một sinh-lực bền-vững.
Thế nào là sinh-lực bền-vững?
Nếu ta theo xát từng danh-từ, chỉ cốt định nghĩa được một cách uyển-chuyển, thì người có nghị-lực, suốt từ trẻ đến già, lúc nào cũng thừa sức lực để chịu đựng, để phấn-đấu, để làm việc, để hưởng thú sống. Giữ được sinh-lực rồi rào, lúc nào cũng sẵn sàng cống hiến đủ cho những nhu cầu của sự sống, người đó lúc nào cũng ung dung thư thái.
Có người sẽ cho rằng như vậy thì muốn có nghị-lực cũng không khó. Chỉ cần làm như những nhà ẩn-sĩ Á-đông: "Sống ở đời chỉ cốt an phận thủ thường. Không bày vẽ ra làm gì: dục vọng bỏ bớt đi, cạnh tranh dẹp đi, ăn thì cơm hẩm nước lã, mặc thì quần nâu áo vải, học thì đã có sách vở của cổ-nhân, làm thì cứ theo những nền nếp lễ lối đi truyền... nhất nhất mọi việc đều thu xếp cho gọn gàng, đừng để bệ lụy đến thân thế và tâm-hồn."
Những nghị-lực, theo kiểu ấy, ta có thể ví như những người hà-tiện không bao giờ dám tiêu vào vốn, và cũng không bao giờ kiếm ra tiền. Đó là những hình thức khôn ngoan của một lòng vị-kỷ có tính-toán cân nhắc, đó là những trạng thái thụ-động, những trạng thái "yếu." Đó là những cuộc đời vô-sự, phẳng-lặng như cảnh đồng ruộng. Đó là những người không biết sống, không dám sống, không sông. Đó cũng là một thức nghị-lực giả hiệu như những thứ nghị-lực đã bác đi ở trên kia.
Nay ta hãy nhớ lại những phút sống phóng khoáng nhất trong đời chúng ta, ta hãy đi tìm ở xung quanh ta những đại-biểu mạnh-mẽ nhất, hoạt-động nhất, đẹp đẽ nhất của nhân-loại, để thử định-lấy một vài tính-cách của những nghị-lực chân-chính.
Cái đức-tính thứ nhất của một người có nghị lực — một người khỏe — là không ích-kỷ. Người ngoài trông vào thấy hình như người ấy là một người hiền, không thiết gì đến thân thể, tâm hồn và cuộc đời của mình. Thực-ra, ở đây, phần đời riêng chỉ phụ thuôc vào một công cuộc lớn lao có tổ chức hẳn hoi, nên dù người ấy không thường nghĩ đến thân mình, vậy mà các hành-vi lớn nhỏ đều đúng khuôn phép cả. Người ta kể chuyện rằng nhà triết-học Kant xứ nước Đức xếp đặt cuộc đời của ông từng giờ từng phút đều như một cái máy, vì ông làm việc nhiều và không muốn phí thời giờl chiều nào, cũng vậy, giờ tạnh cũng như giời mưa, dù ông đang mệt mỏ hay khỏe mạnh ông cũng phải đi bách bộ quanh hết một con đường gần nhà để suy tưởng. Chỉ có mỗi một hôm, được tin cuộc cách-mệnh Pháp 1789 mới nổi, trí-nghĩ của ông rung-động quá, ông mới thay đổi hành-trình, bỏ con đường nhất định hằng ngày và đi mãi về cánh đồng mông mênh cho đến đêm khuya. Ở ông, sự thúc-phọc của thân-thể và của tình-cảm riêng tư là điều không đáng kể. Đời ông nhờ thế đã bớt được bao nhiêu cái phiền-phức lặt-vặt.
Ngay chúng ta cũng có thể nghiệm được rằng, khi nào thân-thể ta khỏe mạnh, tinh-thần ta vững vàng thì ta làm mọi việc một cách rất hồn-nhiên, không phải lo tính toán quẩn gì cả. Cái ý-thức vị-kỷ lúc ấy không xen vào để gây cho ta những rối-loạn vô ích. Một người có nghị-lực, trước hết, phải là một người có rất ít ý-thức về bản-thân mình.
Vì không có cái gồng cùm của bản ngã, nên sinh-lực được giải phóng, và toàn đem dùng vào công việc. Hoạt động là cái tính cách thứ hai của những người có nghị-lực. Hoạt-động không phải là sự cố gắng gay gắt của những người theo đuổi một mục đích ích-kỷ. Ở đây vì rồi rào quá không thể ngừng nghỉ được, sinh-lực phải phát xuất ra, theo cái đà thiên nhiên của nó. Nó chảy từ từ nhưng giong nước trong khe núi rỉ ra, nhưng nó chảy đều đều không phút nào ngừng. Nó chảy ra không phải cốt cho khách qua đường giải khát, nó chảy ra vì không thể nào không chảy được. Chính vì lẽ đó mà những người làm việc nhiều nhất, cống hiến cho nhân-loại nhiều công trình nhất, thường là những người điềm-đạm, khiêm-tốn, thích yên lặng và sợ ồn-ạt. Ta phải phân biệt những cuộc đời hoạt-động ầm-thầm nhưng mãnh liệt ấy với những tấn tuồng ầm-ý của những kẻ múa may hò-hét để cầu danh lợi.
Nhưng ta cũng chớ lầm tưởng rằng những cuộc đời lao-cần lặng lẽ như thế tất là buồn rầu khắc-khổ. Không đâu. Một khi sinh-lực đã giải phóng thì dù ta làm việc bằng tinh thần hay bằng chân tay, dù ta dụng chạm với những sinh vật khác hay với những vật vô tri, bao giờ công-phu của ta cũng là công-phu sáng-tạo. Sinh-lực phát-triển được linh-động vô cùng, huyền-diệu vô cùng, tinh vi vô cùng; nó khám-phá, xê-dịch, biến-đổi, tô điểm tất cả những cái gì trực tiếp với nó, trong cõi vật-chất hữu hình, cũng như trong cõi tâm-lý còn u-uẩn. Nó tạo ra hoàn-cảnh thuận-tiện, tạo ra thời-thế thích hợp, nó làm nổi gió cho lòng căm hờn bốc vụt lên, nó lại reo rắc tình yêu rào rạt những giọt nước cam lộ mát mẻ. Ở đâu có bàn tay nó động đến là có rung chuyển, có đổ vỡ, có xây dựng, có thay đổi, có hứng thú. Sự sáng-tạo phong-phú ấy gây cho nghệ-sĩ (người có nghị-lực là một nghệ-sĩ) những nỗi vui thần tiên không thể có ở trong cuộc đời danh-lợi. Ta hãy nghe R. Rolland:
"Nỗi vui thú thần tiên của nghệ-sĩ làm cho người ta say mê điên cuồng. Nó chiếu sáng cõi lòng như một mặt trời tỏa muôn hào quang ấm áp. Ngoài nghệ-sĩ ra, mọi người đều là những bóng tối chập-chờn, bị đầy ra ngoài cõi sống tung bừng.
Ở trên đời, bao nhiêu sinh-thú tuyệt vời đều do sự sáng tạo gây nên cả. Từ một nguồn sinh-lực chung, phát ra những ánh lửa rực-rỡ mà ta gọi là yêu đương, là tài hoa, là dũng cảm. Những hào quang ấy dịu dàng thấm thía đến nỗi những kẻ tham lam, ích-kỷ, truy lạc đã bị lạc ra ngoài vòng lửa cũng cố mon men lại gần để hưởng lấy những ánh phản chiếu lụ mờ."
Sáng tạo — ở địa hạt bằng xác thịt, cũng như ở địa-hạt tinh-thần, — tức là ra thoát cái gông cùm của thân-thể, của bản-ngã, tức nhảy vào luồng sống, thực là sống cho ra sống vậy.
Sáng tạo là đánh lui sự chết (Trích ở bộ Jean Christophe).
Vấn đề nghị-lực rất quan-hệ. Vì nghị-lực không phải là một đức-tính (?) có hay không cũng được. Ta không thể mỉm cười và tha thứ cho ta một cách dễ dàng: "Tôi không có nghị-lực!"
"Tôi không có nghị-lực" nghĩa là sinh lực của tôi không cứng cỏi, bền vững, tức là tôi mềm yếu, quanh-quẩn, bế-tắc, tức là lửa ở tôi ngọn lửa sống leo lét mờ tối, tức là thân-thể và tâm-hồn tôi làm sân khấu cho tội-lỗi bệnh-tật, đau-khổ, tức là cuộc đời của tôi chỉ là một chuỗi ngày tẻ lạnh nó sẽ đều đều rụng đi không để lại một gì tích gì, một dư vị gì của sự sống.
Nhận rằng: "tôi không có nghị-lực", tức là phê cái án tử hình cho tôi rồi đó, tức là bác hết những đơn khiếu-nại và xin ân-xá cho tôi rồi đó. Sự thú nhận ấy là một tác-động ghê-gớm vô cùng nguy hiểm.
Đừng bao giờ ta lại ngu-dại mà đi làm như thế. Dù ta bị đau đớn đến bậc nào, dù ta bị truy lạc đến đâu đi nữa, dù ta đã thấy ngay bên cạnh ta cái bàn tay lạnh lùng của thần chết, ta cũng hãy gạt phắt nó ra, và tỏ cho nó biết rằng ta chưa chịu. Sinh-lực của ta chưa tắt hẳn, thì át còn bùng lên được, còn tự giải phóng được, còn có thể trở nên mạnh-mẽ hoạt-động được.
Nghị-lực không phải là phần thưởng riêng cho ai, và cũng không phải là của hiếm muộn gì trong nhân-loại. Hằng ngày, xung quanh ta biết bao nhiêu nghị-lực đang rã-rời tan-nát; trái lại cũng biết bao nhiêu sinh-lực yếu hèn đang phấn khởi trở nên hùng-liệt.
Ta phải chọn đường mà đi. Tiến về phía nghị-lực, ta sẽ xua đuổi được khổ-sở, gây dựng được hạnh-phúc và sự-nghiệp. Đó là nẻo sống.
Nhưng làm thế nào? bắt đầu từ đâu? ta sẽ gặp những cản-trở gì? những tai-nạn gì? con đường xa lạ này có những thứ gì làm phấn khởi lòng ta không?