CHƯƠNG II
Giác ngộ
Chúng ta muốn có một sinh-lực cứng-cỏi để trừ khử những bệnh-tật, tội-lỗi, tai-nạn nó rầy-vò thân-thể và tâm-hồn chúng ta. Labels Chúng ta lại muốn cái sinh-lực ấy bền-vững vì chúng ta cần phải dự vào cuộc sống tưng-bừng của muôn vật, cần phải hoạt-động luôn-luôn để đạt được cái ý-nghĩa đầy-đủ của đời người.
Tóm lại, chúng ta muốn có nghị-lực, chúng ta muốn là những nghị-lực. Chúng ta muốn thực khoẻ, thực sống.
Vậy ta phải làm thế nào để có, để thành cái sức mạnh mà ta ao-ước?
Có những người thấy mình yếu-đuối, hằng ngày mơ tưởng đến sức khoẻ, mà không biết làm cách nào ra khỏi. Lại có những người rất thông-minh, đã học hỏi mà biết rõ những phương-pháp thực-hành để tạo ra sức khoẻ, nhưng cũng đành chịu yếu, chịu khổ, chớ không cất nổi mình lên được. Đông hơn nữa, là những người không trông thấy cái vòng đau khổ giam hãm mình, không biết là mình yếu đuối, và không cảm tìm lối giải-thoát; họ sống một cách hoàn-toàn vô ý-thức và lúng-túng trong những loạn-động rối-rít, trong những nỗi sướng khổ eo hẹp hằng ngày.
Những người thứ nhất mù-quáng; những người thứ hai tê-liệt, những người thứ ba u-mê. Cả ba đều không có ý-thức rõ-rệt và mạnh-mẽ về cảnh-ngộ của mình. Sinh-lực của họ rối-loạn, quanh-quẩn. Dù những người mù-quáng có rẫy-rụa đến đâu, dầu những người tê-liệt có thông suốt đến đâu, dầu những người u-mê có bị đay-đoạ đến đâu, họ cũng không ra thoát khỏi cái vòng yếu-đuối và khổ sở nó càng ngày càng bó-chặt họ lại. Họ bị chung thân giam-hãm cho đến khi sinh-lực của họ tan-tã hết.
Tại sao vậy?
Tại họ đã không làm cái việc phải làm, quan-hệ nhất, cấp-bách nhất, tự-nhiên nhất: giác-ngộ.
Những người yếu-đuối — là chúng ta, — có thể ví như những kẻ khách bộ-hành, mỏi mệt bị dừng lại bên đường và bị sa xuống một vũng bùn-lầy. Trước khi ra đi, trước khi tiến đến chuyến rong ruổi trên con đường muốn dậm, điều cần nhất là phải cất chân ra khỏi cái vũng bùn trước đã. Rồi mới xét lại sức khoẻ của ta, và định lấy phương-hướng để theo. Nếu không thì dù có mong mỏi hay phàn nàn hay kêu khóc đêm ngày cũng không có ích lợi gì cả.
Muốn có nghị-lực, không đủ. Phải biết làm thế nào có nghị-lực, làm được thế nào cho có nghị-lực.
Trước hết phải giác ngộ.
Giác ngộ là thế nào?
Thường thường, trong những lúc chúng ta goi là đau khổ, ta thấy gì, làm gì? Ta thấy rằng hoàn cảnh bên ngoài hoặc ngay con người của ta không làm cho ta hài lòng. Ta buồn-rầu, thẹn-thùng, ghen-ghét chán-nản... Cả cuộc đời của ta chỉ còn là một sự rầy-rụa hỗn loạn của lòng tự ái bị thương-tổn, nó quằn-quại như một con giun bị dầy séo. Nó hối tiếc tội lỗi của thân-thế hay của tâm-hồn; nó oán-hận gia-đình hay xã-hội đã không nâng đỡ nó; nó mang so sánh nó với những lòng tự ái khác ở xung quanh và xót xa thấy rằng những cái kia được thoả mãn. Bị tình cảnh hiện tại đánh những đòn đau quá nó đi trốn; nó ngồi nghiền ngẫm lại những cảm-giác đã mơn trớn nó, thu nhặt những di-tích êm-ái của dĩ vãng đã thêu dệt cho nó một tưởng-lai vừa ý. Nó uốn nắn trí-tuệ không cho nghĩ cái gì ngoài nó, bắt phải vì nó mà đi tìm những lý-thuyết, những sách vở, những phương- pháp, những vị thuốc tê, những trò giải trí, để an ủi nó.
Lâu dần, những thứ này cũng làm nó dịu đi. Chúng ta không đau khổ nữa. Nhưng chúng ta không hiểu gì hết, không thay đổi gì cả. Và suốt đời chúng ta không bao giờ ra khỏi cái vòng đời chật hẹp và tối tăm của bản-ngã ích kỷ. Những tình-cảm nhỏ nhen trói buộc chúng ta chặt thêm, cái trí tuệ nô-lệ lòng tự ái không soi sáng cho cuộc đời chúng ta nữa. Cái ý-thức về thảm cảnh của chúng ta chỉ là một ánh lửa lờ mờ và chập chờn. Nó thắt chặt thêm một vòng tròn vào cái bản-ngã đầy đặc của chúng ta.
Có ý thức một cách nông cạn như thế, không phải là giác-ngộ. Giác-ngộ là cảm rõ thấy cảnh ngộ của mình khốn-khổ, là trông rõ những cái nó đầy đọa mình là dùng cả tim lẫn óc dùng tất cả cả con người để nhận thức tất cả cái thảm trạng của mình.
Giác-ngộ không phải là chỉ có cảm-động, hay chỉ có suy-nghĩ, hay chỉ có quyết- định. Giác-ngộ không phải là một trạng- thái tâm-lý thụ-động lẻ loi. Trong lúc giác-ngộ, ta sống một cách đầy-đủ, mạnh- liệt, phóng-khoáng; ta tập-trung được sinh lực tản-mát, ta vượt hẳn lên trên cái vòng đau-khổ và ngu-muội của ta, ta trông rõ những cạm-bẫy trói chân ta, ta đụng chạm với những trở lực ngăn cản ta; ta rời bỏ cái tâm-lý chủ-quan của một người bị ràng buộc, ta cảm thấy cái sinh-thú vô-hạn của một sinh-lực giải-phóng. Dù chỉ trong khoảnh-khắc, sự giác-ngộ ấy cũng đã làm cho thân-thể và tâm-hồn ta rung-chuyển, lay động đến tận gốc rễ. Nó đã phá cho ta cái vòng vây hãm-hại của bản ngã và đã mở cho ta một con đường máu, một sinh-lộ để thoát ra.
Sự giác-ngộ này rất quan-hệ cho chúng ta. Bởi vì chưa giác-ngộ, thì chúng ta không thể nào thực-hành được những phương-pháp rèn-luyện nghị-lực. Trong kho kinh-nghiệm chung của nhân-loại, những phương-pháp này là những bảo-vật quý giá nhất, nhưng cũng khó dùng nhất. Ngoài những bài học cổ-truyền kỳ-lạ của các nhà tu-hành Ấn-độ, Ai-cập, của các đạo-sĩ Trung-hoa, của các nhà hiền-triết Hy-lap... ta lại còn thấy những phương-pháp tối-tân dựa vào những sự phát-minh mới-mẻ của y-học, sinh-lý-học, và tâm-lý-học. Tất cả những người sáng-suốt đi trước ta đều đã giác-ngộ để tự giải-thoát lấy. Rồi họ lại vì chúng ta mà truyền lại, hoặc ghi chép rõ-rệt những kinh-nghiệm có hiệu-quả. Nếu chúng ta không giác-ngộ về tình-trạng của ta, mà chỉ biết nhắm mắt theo liều những cách luyện-tập của họ, thì một là ta không đủ lòng tin-tưởng mà luyện-tập cho kiên-nhẫn được, hai là những hành-động miễn-cưỡng của ta chỉ làm cho ta rối-loạn thêm, yếu đuối thêm mà thôi. Trong công việc huấn-luyện nghị-lực rất khó-khăn của ta, cần phải có một động lực cốt-yếu nó nâng-đỡ và dìu dắt cho ta luôn luôn. Động lực ấy là lòng tin. Mà cái này, thì không có thầy nào, bạn nào có thể mang lại cho ta được, nếu bản thân ta mất lòng tin nông-nổi nhất thời. Chỉ có sự giác-ngộ mới làm nảy ra trong tâm ta lòng kiên-quyết, chỉ có sự giác-ngộ mới làm nở ra trong óc ta trí thông-minh mẫn-tuệ. Có giác-ngộ ta mới biết được cái điều ta muốn, ta mới làm được cái điều ta biết. Giác-ngộ phải là bước đầu trong công việc đi tìm sức khoẻ, trong công việc giải-phóng sinh-lực.
Nhưng sự giác-ngộ đối với chúng ta thường rất khó, bởi vì chúng ta thường bị những thành-kiến và những thói quen ích-kỷ làm cho lầm-lạc.
Muốn nhờ ngọn lửa giác-ngộ phá tan cho ta cái vòng u-ám đau khổ, ta cần phải cưỡng lại với những hành-vi rút-rát của bản-ngã ích-kỷ.
Bản-ngã sợ hãi đau khổ. Nó chỉ tìm cách đi trốn. Nó không dám trông thẳng vào thảm-cảnh của nó, không dám mở mắt để xem nó bị hành hạ ra làm sao. Nó lại bám chặt lấy những cái gì an-ủi được nó và quên rằng chính những ân-nhân đó lại che lấp mắt nó, làm hại nó.
Là những người đã đau khổ nhiều lần rồi vì không ra thoát cái vòng ngu-muội, chúng ta hãy cố gắng làm một cuộc thí-nghiệm mới. Chúng ta hãy thành-thực đón nhận lấy những đòn công kích dai dẳng, chúng ta hãy hoài-nghi tất cả những phương thuốc vô hiệu.
Thành thực không phải là ngồi nghiền-ngẫm những nỗi lòng, không phải là dùng lý-trí và học-thức để phân-tách tỉ-mỉ những trạng-thái sinh-lý và tâm-lý đã qua. Bởi vì như vậy tức là ta bỏ quên cái sống hiện tại của ta, và bắt trí nghĩ quay về dĩ-vãng. Thành thực tức là cưỡng lại, cấm không cho lòng tự-ái rầy rụa lộn-sộn, tức là để cho những nỗi đau khổ hoành-hành, nâng trí-tuệ ta lên một địa-vị khách quan để xem lòng tự-ái bị hành-hình. Ta đừng sợ nỗi đau quá mà chết mất. Nó tan-nát đi, thì ta mới có hy-vọng giải-thoát được.
"Hỏi các bạn yêu quý, tôi cầu mong cho các bạn bị đau đớn, bị cô-độc, bị hành-hạ, bị sĩ-nhục; tôi mong sao cho các bạn gặp cái cảnh sốt-sa của một người tự khinh-bỉ mình, cái cảnh đọa-đầy của m ột người đã mất lòng tự tin, cái cảnh thất-vọng hãi-hùng của một người thất bại trơ-trọi." (Nietzsche)
Lời cầu-mong ấy chẳng phải là lời độc-ác, vì chính những nghịch-cảnh ghê-gớm kia mới là những cơ-hội rất tốt để tập-trung và rèn-luyện sinh-lực cho ta đó.
Thường thường, về sau đau khổ hơn ta hay tìm những lý lẽ, những trò chơi để an-ủi, để củng-cố lòng tự-ái. Nhưng nếu ta thực thà với ta, ta để cho cái lòng ta đó khổ đến cùng cực, thì bản-ngã ích kỷ phải rã rời, sinh-lực được giải-phóng. Lúc đó, ta không buồn rầu hay lo sợ nữa; như một ngọn lửa mãnh-liệt, sự cảm hờn thù oán khuấy động tâm-hồn ta; như một luồng gió mát mẻ, sự yêu-đương hừng hực mở rộng tâm hồn ta. Ta thù ghét những trạng-thái "chết" đang giam-hãm sinh-lực ta, ta yêu đương cái cõi sống mênh-mông nó đang chào đón ta. Lòng ghét ấy, lòng yêu ấy là những động-lực giải-thoát cho ta đó.
Và chính những động-lực ấy lại phá tan cho ta cái lòng hoài-nghi khốn-khổ. Sự thành-thực đã làm cho ta can-đảm, và ta đã rứt hết, cả với những thành-kiến, những lý thuyết... an-ủi ta. Bây giờ thực là trơ trọi, không biết trông vào đâu, tin vào đâu. Ta trải qua một thời kỳ hoang mang, cô-độc rất hãi-hùng: ta thấy tất cả xã-hội loài người đang sống yên-ổn trong những khung-cảnh êm đẹp, và chỉ riêng có ta đã lìa khỏi nếp trật tự ngoài khuôn-sáo, chỉ riêng có ta là phải chịu muôn nỗi cực-khổ... Ta muốn ngoan-ngoãn trở lại với những cái "nạng" quen thuộc, ta muốn trở về lối cũ để cho bớt đau-đớn. Ta thấy ta bơ-vơ như một chiếc lá lìa cành, không biết rồi lông-bông siêu rạt vào đâu. Ta thấy ta đứng trên bờ một vực thẳm đen tối.
Hỡi bạn đau-khổ thực-thà và can-đảm, đây mới là lúc phải thu-thập tất cả sức lực của ta để đánh một trận cuối cùng: nếu ta không đắc-thắng, thì ta sẽ là một kẻ bại-vọng vô cùng khốn-nạn!
Thực ra, nếu ta hết sức thành-thực, thì ta có rất nhiều hy-vọng giải-thoát. Sự đau khổ cùng-cực, nếu không làm cho ta chết, tất sẽ xua đuổi cho ta tính hèn nhát, sẽ phá tan cho ta những thành-kiến u-ám.
Ta có can-đảm để đối đầu với những trở-lực; bình-tĩnh, ta trông suốt hết con đường gai góc mà ta sẽ đi lên. Ta tin cậy vào sức lực phấn khởi của ta! Ta như một người ngủ mê vừa tỉnh, ta như một người ốm vừa dậy, ta như một người đã chết vừa sống lại với một sinh-lực mới-mẻ, quật cường.
Ta thấy rằng: ta là một sinh-vật bị ràng-buộc bởi nhiều giây liên-lạc kiên-cố. Những tình-tình, tư-tưởng, hành-vi của ta đều do những sức mạnh trái ngược nhau gây nên. Cái sinh-lực, nó điều-khiển cuộc đời ta là một sức mạnh rất phức-tạp. Nó không còn giản-dị như sức-mạnh của một cái cây hay của một con thú, nó đã chịu ảnh-hưởng xâu-xa của di-truyền, của hoàn-cảnh, của giáo-dục. Ở tình-trạng con người văn-minh là chúng ta, nó không thể nào phát-triển theo cái đà thiên-nhiên của nó được. Nó bị thúc-phọc, bị đè nén, bị xô đẩy, bị lạc-lõng, bị uất-ức. Không phát-hiện ra được, nó ẩn-nấp ở trong những chỗ sâu-thẳm của cơ-thể, trong cõi u-ẩn của tâm-hồn. Nó kết-tụ xung quanh một bản-ngã. Đợi dịp nào hoàn-cảnh nới sức đè-ép thì nó nổ bùng ra không có sức gì cản được. Trong sự rẫy-rụa mãnh-liệt của nó, thân-thể và tâm-hồn bị đảo-lộn, bày ra những tình-trạng đau-khổ, lộn-sộn, xấu-xa. Những hình-phạt của hoàn-cảnh lại nghiêm-khắc thêm, nó lại bị bó thúc thêm, bị kèn-cựa thêm. Nó lại im thúc-thủ đợi một dịp khác trả thù, và cứ thế mãi cho đến khi nó tan-tã không nhúc-nhích được nữa.
Vượt hẳn ra ngoài cái vòng lộn-sộn của cuộc đời vô ý-thức, ta thâm cảm thấy rõ mọi nỗi khốn-khổ của kiếp người. Những ta cũng lại thấu nhận được những căn-nguyên của sự đọa-lạc đầy rẫy ấy.
Bao nhiêu những tai-ương rơi lên đầu lên cổ chúng ta (như bệnh-tật, tội-lỗi, đói rét, cô-độc, tàn-sát...) đều do tại sinh-lực của ta không phát-triển được tự-nhiên, đầy- đủ. Nó quanh quẩn ở xung quanh những bản-ngã, những thành-kiến, những tội-lỗi, những mộng-tưởng. Nó ly-dị với những sinh-vật đáng yêu, đáng quý là chúng ta để kết-tụ vào những ảo-ảnh, những xác chết. Trong một vũ-trụ luôn luôn linh-động theo những nhịp điệu rất khôn ngoan, rất đẹp-đẽ, sinh-lực của ta tách hẳn ra ngoài, yếu-đuối và ngơ ngẩn như một tiếng đờn lỗi nhịp.
Trong tình-cảnh ấy, ai là thủ-phạm? Ta nên kết-tội bản-ngã cho nó là đã bó thúc sinh-lực và tác-ác ra mọi sự; hay là ta kết-tội hoàn-cảnh nó đè nén sinh-lực không cho phát triển ra? Đứng ở lập-trường thứ nhất thì bản-ngã là nguyên-nhân, hoàn-cảnh chỉ là kết quả; đứng ở lập-trường thứ hai, thì hoàn-cảnh là nguyên nhân, bản-ngã chỉ là kết quả. Tùy theo lập-trường ta đứng, sẽ hướng sự chiến-đấu ta vào cái chỗ mà ta cho là trung tâm điểm, là căn bản.
Xét cho kỹ cái hai thái độ ấy đều độc đoán, đều chỉ trông thấy một phần người, cái phần hữu hình hoặc cái phần vô hình, cái phần sinh lý hoặc cái phần tâm lý. Thực ra, con người đầy đủ không phải chỉ là một dúm thịt xương bị hoàn cảnh kinh tế và xã hội nhào nặn theo khuôn của nó, cũng không phải là một khối tinh thần có đ ủ sức chế đẩy người ta đi được theo khuynh hướng riêng của nó.
Vượt lên trên sự phân chia thiên lệch ấy, ta sẽ thấy rằng con người trước nhất, là một sinh-lực, và cốt nhất là một sinh-lực. Chính cái này tạo ra bản-ngã, tạo ra hoàn-cảnh. Nhưng rồi chính nó lại phải hoạt-động ở trong phạm-vi bản-ngã và hoàn-cảnh, và phải chịu ảnh-hưởng của những tạo-phẩm đó. Tuy vậy, cái quyền phá-hoại cũng vẫn ở trong tay nó, như là quyền sáng-tạo. Nó phải chịu hết trách nhiệm về những hành-vi nào của nó không sáng suốt, không đúng luật thiên-nhiên, không ăn nhịp với sự linh động có qui tắc chặt chẽ của vũ trụ.
Nói tóm lại, thủ phạm ở đây không phải là bản ngã, không phải là hoàn cảnh. Đó là những tác-động ngu xuẩn của sinh- lực (tức là của dục-vọng, của tình cảm, của trí nghĩ, ba cách phát hiện khác nhau của sinh-lực). Những tác-động ngu xuẩn ấy gây thành bản-ngã dầy đặc, gây thành hoàn-cảnh khe-khắt để những cái này phản lại sinh-lực và đẻ ra mọi thảm-trạng. Ta phải chống lại với những tác-động ngu-xuẩn ấy khi ta thấy chúng đưa đến những kết-quả tai-hại, khi ta thấy chúng gây ra, hay bênh vực những cái yếu đuối cản-trở sự sống.
Xem như thế, thì phấn-đấu chỉ có nghĩa là phá đổ, hoạt-động mất hẳn cái tính chất tư-kỷ hẹp-hòi. Sống là một nghệ-thuật cao-siêu mà giản-dị, vô cùng hào-hứng vậy.
Bắt đầu từ chỗ yếu đuối, chúng ta sẽ lần lần thổi cái đốm lửa tàn của sinh-lực, làm cho nó giao-động với nguồn sinh-lực thiên-nhiên và dục nó trả lại cho vũ-trụ muôn ánh hào-quang rực-rỡ mà vũ-trụ đã mang lại cho nó. Bắt đầu là những tên thợ vụng-về, chúng ta sẽ chăm-chỉ mà sống, thông-minh mà sống, để trở nên những nghệ-sĩ có năng-lực, có tài-hoa, có lạc-thú.