Lời nói đầu
Chúng ta thường hay cho là hoàn-cảnh gây nên mọi nỗi đau-khổ. Và luôn luôn, chúng ta lo thu-xếp cho chúng ta một địa-vị thực là thuận-tiện, thực là êm-ái, thực là vừa lòng. Chúng ta sợ đói rét, sợ lầm-than, sợ bệnh-tật, sợ tang-tóc, sợ thất-bại, sợ cô-độc, sợ những sự thử-thách đột-ngột xảy đến... Cuộc đời chúng ta là một chuỗi ngày chờ đợi, tâm-hồn chúng ta là một bản đờn hãi-hùng loạn nhịp.
Có những trường-hợp thật khe-khắt mà nghịch-cảnh lột hết sức-lực và trách-nhiệm của ta. Đó là những cảnh-huống bi-đát nhất của kiếp người, tác giả không lạm bàn đến trong quyển sách nhỏ này.
Nhưng khi ta còn giữ được lòng muốn sống, còn nhận thấy quyền được sống, khi ta chưa chịu đầu hàng, thì những nghịch-cảnh, sớm hay chầy, sẽ phải tan-vỡ.
Bởi vậy, cái quan-hệ ở đời nhiều khi không phải là hoàn-cảnh, mà là sinh-lực, Cái tai-ách đọc-địa nhất, cái tai-ách nó làm cho chúng ta hèn-nhát nhất, khổ-sở nhất, khốn-nạn nhất là cái tình-trạng của một người chiến-bại hết chí phấn-đấu, thiếu can-đảm để chịu đựng, cạn sức-lực để cố sống.
Tuyệt-vọng đến bỏ liều cuộc đời cho số-mệnh lôi đi, đó mới là đại-nạn; đó mới là con đường về cõi chết, đen-tối, lạnh-lùng và bần-thiu.
Tất cả chúng ta, nếu còn đủ thông-minh để nhận-xét, nếu còn đủ khí-phách để phẫn-uất, đều có quyền, có bổn-phận phải đề-phòng phải xua-đuổi, phải trừ-tiệt cái thảm-trạng ấy.
Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, cái việc ấy cũng có thể làm được và phải làm cho được.
Dù bệnh-tật, hay tội-lỗi, hay tai-nạn có rày-vò ta đến đâu đi nữa, khi mà ta còn cường lại, tức là ta có cơ thắng rồi đấy. Đừng bao giờ cho là mình yếu rồi, kiệt rồi. Biết đâu? Trong chốn sâu thẳm của con người, một nguồn sinh-lực mãnh-liệt vẫn tiềm-tàng chờ đó. Và một vũ-trụ vô-cùng linh-động vẫn rào-rạt quanh mình để lôi cuốn mình vào cái nhịp điệu tưng-bừng của muôn vật. Trên bờ thất-vọng, hỡi bạn đau khổ, hãy dậm gót, dừng chân lại. Đừng chịu thua, chịu khổ, chịu chết trước khi tim ngừng đập, trước khi phổi ngừng thở.
Chiến-đấu là sống rồi. Chiến thắng là phần-thưởng của những người gan-góc; hạnh-phúc là hào-quang của những người yêu đời và tin ở sức sống.
Nếu bạn đang bực-rọc, đang băn-khoăn, đang chán-nản, thì, hơn ai hết, bạn cần phải thực-hành cái chân-lý bất-diệt ấy, mà tự muôn đời nay, vũ-trụ và lịch-sử luôn luôn tô lại những màu rực-rỡ.
Quyển sách này dựa vào một dụng-ý hoàn-toàn thiết-thực.
Trong phần thứ nhất, tôi sẽ đem trình-bày những trạng-thái thông thường của những người bất-lực đứng trước cuộc đời, và dò xét những căn-nguyên của từng trạng thái. Mục-đích là để cho ai nấy thấm-cảm một cách chua-xót thấy cái bi-kịch của những kẻ bại-vong và cố tránh những con đường đưa tới đó.
Trong phần thứ hai, tôi sẽ căn-cứ vào những kết-quả hiển-nhiên để phê-bình những phương-pháp mà chúng ta thường dùng để rèn-luyện ý-chí, để chau-dồi nghị-lực. Những phương-pháp ấy toàn dựa vào những lý-thuyết mơ-hồ đã gây nên nhiều mối hại cho những người không đủ sáng-suốt để tự hướng dẫn, hay không đủ hăng-hái để theo đuổi mục-đích của mình.
Trong phần thứ ba, vì không phục những phương-pháp sai-lầm trên kia, tôi đi tìm một con đường thích-hợp để vượt ra ngoài cái vòng luẩn-quẩn của những người đuối sức và nhân đó, định lấy một vài qui-tắc cho một cuộc đời hoạt-động phóng khoáng.
Chủ-đích của tôi không phải là nghiên-cứu tỉ-mỉ một vấn-đề rất phức-tạp thuộc về sinh-lý, tâm-lý và xã-hội: vấn-đề nghị-lực và ý-chí.
Quyển sách nhỏ này chỉ ghi lại kinh-nghiệm của một người đã từng đau-khổ và phấn-đấu để thiết-lập một đời sống hữu-dụng. Tất nhiên là ở trong đây có nhiều khuyết-điểm. Nhưng nguyện-vọng chân-thành của tôi là khích-lệ được đôi chút cho những người cùng cảnh-ngộ, dự một phần vào cái việc tập-trung lại những sinh-lực đang tản-mác và giữ vững những sinh-lực đang bồng-bột tiến-thủ.
Mục đích ấy có đạt được hay không, một phần lớn cũng do ở sự cố-gắng tự-cường của bạn đọc-giả đó.
Hanoi 1-1-42
P. N. KHUÊ