Nhảy tới nội dung

CHƯƠNG IV

Đi tìm nguồn sống

Ít lâu nay, ở xứ ta, có một số đông bạn trẻ, trai và gái, rất chịu khó để ý đến sức khỏe. Họ rất chịu khó 'luyện-tập thân-thể' và 'tu-bổ tinh-thần'. Họ đã đọc, ở trong các sách và các tạp-chí, những điều phổ-thông về Y-học, những phương-pháp vệ-sinh, và những thuật 'bí-truyền' làm cho trẻ thêm, đẹp thêm, vui-vẻ thêm, sống lâu thêm. Đứng trước thần-tượng Sức khỏe, đó là những tín-đồ không thể ai nhiệt-thành hơn được nữa.

Họ dậy sớm, ra trước cửa sổ tập thở, tập thể-thao, rồi đi tắm nước lạnh. Họ treo ở trong phòng những tấm biển kẻ chữ rất gọn-ghẽ, nêu ra trước mắt họ những câu châm-ngôn rất điêu-luyện, rất đanh thép.

Họ đứng trước gương, ngắm bóng mình một cách tha-thiết, và theo phép tự-kỷ ám-thị, họ dùng trí-tưởng để tạo ra cho họ đủ các nét tốt của một người trong-sạch, đẹp-đẽ, quảng-đại, hoàn-toàn. Họ phác họa chương-trình làm việc hàng ngày, xếp đặt cuộc đời của họ rất có qui-củ, có thứ-tự. Nhiều khi, họ lại cố giữ điềm-đạm, nói ít và cử-chỉ rất ít nữa.

Những người xung-quanh khâm-phục và khen-ngợi họ lắm, cho họ là những người có chí, có ý-chí và giàu nghị-lực!

Nhưng có một điều rất lạ làm cho ta phải sửng-sốt, là những người “giàu nghị-lực” ấy thường cảm-động rất ít. Lúc nào họ cũng giữ-gìn cuộc đời của họ, và không bao giờ họ rảnh trí để nghĩ đến người khác, rảnh tay để làm cái gì cho người khác. Đến gần những nhân-vật câu-kỳ ấy, ta thấy họ rất vô-duyên, ta thấy khó chịu như đứng trước một bà lão khó-đét, khắt khe, tham lam. Ta mới nhận ra rằng tất cả những sự xếp đặt khôn ngoan của họ chỉ là để che lấp những sinh-lực rất nghèo nàn, những cảm-động rất ích-kỷ.

Đem so sánh họ với những người mà ta vẫn cho là lông bông, thiếu qui-củ - ví dụ một nghệ-sĩ - ta lại thấy những người sau này đẹp hơn, 'giàu sinh-lực' hơn, khỏe hơn, đáng yêu hơn. Ta mới hiểu rằng theo đúng một vài phép vệ-sinh — vệ-sinh thân-thể và vệ-sinh tinh-thần — chưa phải là đạt được sức khỏe, chưa phải là có nghị-lực.

Một khi cái bản-ngã cồng-kềnh của ta còn ở đó để xâm-chiếm sinh-lực, thì ta còn lẽ-lời yêu-đuối. Sự khôi phục sức khỏe, nếu chưa đánh tan được bản-ngã, hãy còn là một công việc dở dang, chỉ mang lại những kết quả rất mong manh.

Muốn cho sinh-lực mạnh-mẽ và linh-động, ta phải làm thế nào cho nó giao-động được với những sức mạnh khác rào-rạt ở xung quanh ta. Như một con sóng không bao giờ muốn ngừng chảy, ta phải mở lối tìm nguồn sống; như một giây đàn muốn luôn luôn rung-động, ta phải hòa nhịp sống của ta vào nhịp sống tưng bừng của muôn vật, bắt đầu từ nhịp sống của đồng loại. Đó là những cách gián tiếp để khu trừ bản-ngã vậy.


Có một cách 'quên mình' dễ nhất, là đi tìm phong cảnh thiên nhiên, đi tìm vũ trụ. Nhiều lúc, đời sống xã hội làm cho ta mệt quá, ta chỉ cần phải tạm rút bỏ với những khuôn sáo chật hẹp hàng ngày, rút bỏ với cái bản-ngã nặng-nề của ta nó là một sản-phẩm của đời sống chung đụng, sô sát. Nhưng ta cũng không cần phải đi đến tận góc biển chân trời, tìm những nơi nước non xa lạ. Một cánh chùa, một bờ sông, một trái đồi, một bụi cây, một làn cỏ, ngay đến những phong-cảnh rất quen thuộc, rất tầm-thường như cảnh vườn dược, cảnh hồ ao, cánh đồng ruộng phẳng-lì của ta... đó cũng là những bức tranh thiên nhiên tỏ đủ muôn màu; đó là những cửa sổ rất giản-dị để nhìn vào cái kho vô tận của vũ-trụ.

Điều cần nhất là khi đi tìm vũ-trụ thì ta hãy để lại tra xã-hội những cái gì của xã-hội, cái bản-ngã của ta, những tâm-sự của riêng của ta. Ta đừng làm như những thi-sĩ lãng-mạn — lôi kéo cái sâu dằng dặc của mình vào trong khung-cảnh sán-lán của thiên-nhiên. Từ trước đến nay, vì chủ-quan quá, vì tự kỷ quá, hẹp-hòi quá, chúng ta vẫn theo nhà thi-sĩ, mà cho rằng:

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?"

Chúng ta quên rằng đem nhuộm thiên nhiên bằng cái màu tâm-lý của ta như thế, tức là bỏ nhỡ tất cả những vẻ đẹp, vẻ quý của cây, cỏ, núi, sông; tức là xóa nhòa tất cả bản-sắc linh-hoạt kỳ-thú của bức tranh vũ-trụ. Ngắm phong-cảnh không phải là một cách hành-lạc lẩn-thân, không phải là nhân-cách-hóa cảnh thiên-nhiên để tìm ở đó những thú-vị của đời sống hàng ngày.

Trái lại, đi tìm thiên-nhiên là cố tình ly-dị trong chốc lát với đời sống hàng ngày nó thúc-phọc ta quá, nó phá hai sinh-lực ta quá. Là cởi bỏ cái tâm-lý chủ-quan, cái bản-ngã của ta, để quan sát, để cảm-thông những cái ở ngoài ta, để sống — dù trong khoảnh-khắc — cái sống của những vật không phải là ta. Là giải-phóng sinh-lực của ta bằng cách thả cho nó đi tìm những sinh-lực hồn-nhiên của vũ-trụ, dịu-dàng hơn, tha thiết hơn những sinh-lực khắc-khổ của xã-hội loài người.

Trở về với thiên nhiên, ta cũng đừng có đem theo những lề thói của con người văn-minh. Hãy để lại lại xã-hội những thành-kiến, những ngôn-ngữ, những nghi-thức những hệ-thống, những công-trình phát-minh của khoa-học, những luận-thuyết về nghệ-thuật, những tác-phẩm văn-chương tư-tưởng… Hãy để lại tất cả những báu vật tinh-thần của xã-hội, để trở về với thiên nhiên như một đứa trẻ ngây-thơ tâm-trí chưa nhuộm màu thế-sự.

Trong cái yên lặng của cây cỏ, dưới làn gió nhẹ-nhàng ở những nơi u-tịch, ta hãy để bàn tay mềm-mại của thiên-nhiên vỗ-về bộ thần-kinh của ta nó đã bị cuộc cạnh-tranh làm cho sơ-xác. Ta hãy tấm mình vào bầu không khí trong-treo của thiên-nhiên để rửa sạch những bụi-bặm của đời phồn-hoa náo-nhiệt. Ta hãy mở rộng các giác-quan để chào-đón những làn sóng rung-động nhịp-nhàng từ xung quanh tràn tới. Ta hãy lặng lẽ ngồi xuống cỏ, xuống đất, xua đuổi hết những hình-ảnh dĩ-vãng, và để nguyên cho mắt ta trông, tai ta nghe, mũi ta ngửi, da thịt ta cảm-xúc... Lúc bấy giờ, một giọt sương, một ngọn cỏ, một ánh nắng phản chiếu mặt nước muôn-màu rực rỡ, tiếng chim kêu nhè-nhẹ, tiếng lá cây sàn-sạt, mùi hoa thơm ngát, mùi cỏ non lơ-lửng nhẹ-nhàng, sự cọ sát dịu dàng với thớ đất mềm-mai, với phiến đá cứng rắn, giọt sương, làn gió... và còn bao nhiêu liên-giác tế-nhị, còn bao nhiêu hiện tượng lạ-lùng, kì-ảo nữa... tất cả mọi thứ ấy, đều rộn-rập đập vào giác quan ta để tố cáo cuộc sống rất phong-phú, rất tưng bừng của vũ-trụ mà, trông ở ngoài xa, là tưởng chừng như im-lìm tẻ-lạnh.

Những cảm-giác hồn-nhiên ấy không mang lại cho ta thêm một kiến-văn nào cả.

Nhưng luồng sống của vũ-trụ chạm vào ta, và khuấy động cái sinh-lực mệt-mỏi của ta. Ta cảm thấy một thứ vui man-mác, nhưng dịu-dàng của một sinh vật thấy mình không bị trơ-trọi lẻ-loi. Ta muốn quên hết cả cái thân phận con người cô độc của ta, để nhập vào cái đời sống vô ngã, mông mênh của những vật vô tri vô giác.


Khổ thay! những phút sống lạ lùng như thế thường rất hiếm có và không được lâu, khi thân thể chúng ta còn phải đứng trong phạm-vi của bao nhiêu ràng buộc xã hội nặng-nề, chặt chẽ. Nguồn sống thiên nhiên, tuy dồi-dào, nhưng không lôi cuốn ta đi được không giải cứu hẳn cho sinh-lực tù-hãm của ta được.

Muốn phá tan cái gông-cùm của bản-ngã, muốn làm cho sinh-lực ta giao-động luôn luôn, muốn cho nó mạnh-mẽ và bền vững, ta lại phải đi tìm một nguồn sống gần ta hơn. Đó là cuộc đời ồ-ạt, lộn-xộn, đau-khổ hay sung sướng, dữ-dội hay bị thảm của nhân-loại đang kêu khóc, đang reo hò, đang xô đẩy ở ngay bên cạch nách ta đây. Cuộc tranh sống gay go hàng ngày, những thành kiến ích-kỷ, những thú vui hẹp hòi... đã hùa nhau vào làm cho tâm-hồn ta khô-khan cằn-cỗi, làm cho nó không trông thấy những cảnh sinh-hoạt đầy rẫy ở xung quanh ta, không cảm thấy những nỗi thống khổ, những nỗi oán-hờn, những mối hy vọng của bao nhiêu sinh-lực sôi-nổi đang giãy giụa để tìm đường phát-triển.

Có một phương thuốc rất công hiệu để chữa cái bệnh tự-kỷ, là trông vào đời sống của đồng loại để quên đời sống của mình, là thâm cảm những nỗi đau khổ của đồng loại để xua tan những nỗi đau khổ của riêng mình.

Thực vậy, đời sống của nhân loại, tuy rằng không êm đẹp như đời sống của vũ trụ nhưng sôi nổi hơn nhiều. Kia là những sinh-lực rất bình tĩnh, rất thong-dong, rất thư-thái; đây là những sinh-lực bị cản trở, uất ức, bực rọc, mãnh liệt. Sự giao động ở đây không mang lại cho ta những thú vị nhẹ nhàng của nhà ẩn sĩ. Trái lại, nó thổi vào tâm-hồn ta những ngọn lửa phẫn uất ghê gớm: cùng với những người đau khổ, ta thù ghét oán hờn những tai họa của sự sống, những điều lầm lở, những cái ngu mụi, những thành kiến độc ác, những bệnh tật tàn nhẫn, tất cả cái đội quân yêu quái của thần chết. Ta cảm thấy rõ rệt hơn là lúc ta luân quẩn một mình — rằng sự sống đang bị công-phá, bị rầy đạp, bị đè ép. Và ta lại thấy xót sa cho những sinh vật cũng như ta, mà lại không được sống như ta, còn bị đầy đọa, bị truỵ lạc gấp bao nhiêu lần ta nữa. Trước cảnh tượng nguy vong của sự sống đang tiêu ma, bao nhiêu tình cảm vụn vặt, bao nhiêu ý nghĩ hẹp hòi của ta phút chốc vỡ tan cả: một lòng yêu chân thành vụt nổi lên trong tâm-hồn ta. Tự nhiên ta thấy lòng mở rộng và thông cảm với sự sống quằn-quại của cái nhân loại đau khổ kia. Người ta nhẹ đi, tâm ta nhẹ đi. Trí ta sáng ra. Lòng yêu kia đã vô tình giải thoát cho ta vậy.

Đi lẫn vào đám đông, ta nhìn mọi người một cách khác hẳn. Ta không cần dùng cái mục thước luân lý thường để phán xét các hạng người; ta không có cái ác cảm hoặc thiện cảm của một cá nhân đối với một cá nhân khác nữa; trước mắt ta chỉ còn những người đang sống, đáng yêu vì tha thiết, đáng thương vì đau khổ, đáng giúp đỡ vì ngu muội (lầm lẫn).

Nguồn sống của nhân-loại — không phải cái nhân-loại cao-đẳng chọn-lọc trong đám người sĩ, bác-học và triết nhân, mà chính là cái nhân-loại tầm-thường, cái nhân-loại đầy-đọa và lầm-lẫn — nguồn sống nhân-loại là một khối sinh-lực rất xúc-tích, tuy rằng lộn xộn và đã phí-phao đi rất nhiều. Bao nhiêu hy vọng tốt đẹp ở trong lai của loài người đều phải trông vào đó, dựa vào đó. Vì vậy, nên ở bên Âu châu, từ giữa thế-kỷ trước, người ta đã xướng lên thuyết 'tôn giáo nhân-loại' (religion de l'humanité). Từ bấy giờ, người ta mới ly-dị hẳn với những con đường thần bí, và nhất-định giải-quyết những vấn-đề của nhân-loại trong phạm-vi nhân-loại, bằng sức lực của nhân loại. Mới đây, trong một cuốn sách nhan-đề là Từ đau khổ đến hạnh phúc, nhà văn-hào nổi tiếng khắp thế giới Keyserling, sau khi đã nghiên cứu những phương-pháp tâm-lý và sinh-lý để giải-quyết nỗi băn-khoăn của những người trí-thức và tâm-huyết, cũng phải nhận rằng những phương-pháp cá-nhân không có hiệu-quả gì mấy. Con người ta không thể tách ra ngoài đoàn-thể của mình được, không thể tách ra ngoài nhân loại được. Những vấn-đề cá-nhân là những vấn-đề nhân-loại, và những vấn-đề nhân loại cũng là những vấn-đề cá-nhân. Keyserling công kích rất tàn-nhẫn cái thái-độ riêng biệt của những người trí thức muốn lìa mình ra khỏi nhân-loại, Ông cho rằng, nếu nhân loại còn lam-lũ, còn đày-đọa thì dù học-thuật, nghệ-thuật có nâng con người ta lên đến bậc nào, người trí cũng không ra thoát được cái vòng đau-khổ. Sinh-lực của ta bắt liền vào với sinh-lực của nhân-loại như chiếc bánh xe trong một guồng máy lớn. Không những sự sướng khổ của ta, mà cả đến sức khỏe, đến nghị-lực của ta cũng do nhân-loại gây ra cả.

Keyserling đã viết những lời tâm sự thực là tha thiết về vấn đề nhân-loại đáng để cho ta ngẫm-nghĩ:

'Những nỗi đau khổ riêng tư của tôi có thấm vào đâu, đem so với cái cảnh lầm than cơ-cực, với những sự rày vò thảm thiết và đầy-rẫy của phần đông nhân-loại? Tôi, tôi còn có tâm cơ để chống đối với những sự khó-khăn ở đời, tôi lại còn có thể nhờ sự phấn-đấu ấy mà nâng cao được tâm hồn mình nữa. Nhưng phần đông nhân-loại thì làm gì có sức mà làm được như tôi? Bị khốn nan khó xử tự bao nhiêu đời rồi, nhân loại yếu lắm, không cất đầu lên được. Nghĩ đến tình cảnh ấy, đến những nông-nổi thảm-đạm của người đời tự thuở nào đến giờ, tôi thấy trách nhiệm của tôi càng to. Tôi không có quyền được sống cho riêng mình, tôi không có quyền đi tìm cách tiến hoá cho một mình mình. Có Tri-tuệ tức là có phận sự...

Phải làm cách nào cho đời sống vật chất rất khó-nhọc, rất đau-đớn, rất bi-thảm của phần đông nhân loại bớt lầm than đi; phải làm sao cho không còn lầm than chút nào nữa.

Ở đây Keyserling chỉ cốt chỉ trích thái độ của kẻ tri-thức và phàn-nàn cho nhân-loại đau khổ. Chớ ông cũng không dám coi thường cái nhân loại đau khổ ấy. Đó là một kho sinh-lực bị dồn ép, đang tiềm-tàng, có thể một ngày kia nổ tung ra được.

"Đồng thời, trong khi nhận cái trách nhiệm của người trí-thức, tôi thấy càng ngày càng phải kiêng-nể, phải thán-phục những khối tình cảm mãnh liệt của đám đông, và tôi biết rằng đó là những ngòi lửa sẽ làm bùng nổ những sức-mạnh không ngờ" (trích ở cuốn Responsabilité de l'Esprit devant la Révolution mondiale của Keyserling).

Ta chớ nên lầm tưởng là nguồn sống nhân-loại chỉ phát ra những sức mạnh dữ-dội. Nhiều khi trong những cảnh sinh-hoạt lộn xộn, rất lầm than, ta phải ngạc nhiên khi thấy có những người rất giàu lòng hy sinh, can đảm, ta thấy đằng sau những gương mặt xấu-xí, những bộ áo rách-rưới, lại có những trái tim vàng chan chứa tình yêu trong sạch. Sự đi sâu vào đám đông không bao giờ làm cho ta thất vọng, nếu ta gạt được những thành kiến xã hội của ta rứt được với bản ngã của ta. Tắm mình trong làn không-khí nhiều khi nẩy lửa của nhân-loại, ta sẽ thấy sinh lực ta giàu thêm, mạnh thêm, hơn cả khi đi tìm nguồn sống thiên-nhiên nữa.

Tuy vậy đi tìm những nguồn sống, ta đã đóng vai một kẻ yếu đuối đi cầu-xin sinh-lực. Chỉ hiềm là những sinh-lực bố thí ấy thường không đủ giải thoát cho ta được. Ta lại phải cần đến một phương-pháp đĩnh-đạc hơn, đường-hoàng hơn, hợp lý hơn, công bằng hơn.