Nhảy tới nội dung

CHƯƠNG IV

Những con vẹt

Đây là những người không còn đủ sức để hoạt-động, dù là hoạt-động một cách điên-cuồng như những người đam-mê vật-dục. Họ cũng không còn đủ sức để cảm-xúc, dù là cảm-xúc một cách hỗn-độn như những người tâm-thần bất-định.

Không đủ sức để lăn vào cuộc sống, họ đứng ngoài vòng để thu nhận lấy những tiếng vang tự trong đưa ra. Họ tưởng rằng họ trông rõ, hiểu rõ cuộc đời hơn những người khác. Luôn luôn, họ nhắc đi nhắc lại những điều mà họ cho là đúng, là phải, nhưng không bao giờ họ làm được. Phạm-vi đời sống của họ rút hẹp vào góc trí tuệ, họ là những con vẹt đầu to mà cẳng liệt.

Theo nghĩa thường thì họ rất thông-minh ở vào một địa-vị xã-hội khá giả, học qua các nhà trường, họ đã chiếm được những bằng cao-cấp; họ đã lăn mò vào các thư-viện — những kho tri-thức — và đã vơ-vét được rất nhiều vật-liệu của Văn-học, Khoa-học, Mỹ-thuật Đông-Tây. Họ « biết » nhiều lắm. Họ « giàu » kiến-thức lắm. Họ tự-phụ về cái đầu óc của họ lắm. Họ cho là, họ bao-quát hết cả, trông suốt hết cả, những hiện-tượng to, lớn hay bé nhỏ của vũ-trụ. Họ xếp đặt trong trí họ những hình-vẽ, những con số, những định-luật, những hệ-thống, và họ ngồi yên chờ xem trò đời diễn ra đúng như ý nghĩ của họ. Không thèm hưởng những thú sống lộn xộn của người thường, họ đóng một vai khách bàng-quan hoàn-toàn yên-lặng, hoàn-toàn thản-nhiên. Không có một cảnh-ngộ nào làm cho họ động lòng, không có một sự khích-thích nào làm cho họ nhúc-nhích. Họ ở ngoài đời, ở trên đời, lạnh lùng ngắm xuống một tấn bi-hài-kịch mà họ trông thấy rõ mồn một cả sân khấu lẫn buồng trò!

Chúng ta chỉ lấy làm lạ tại sao những người giàu tri thức như thế lại không làm nên việc gì bổ-ích cho đời sống.

Thực ra, họ không phải là những người tri-thức chân-chính. Họ không có tính tò mò, không có lòng ham biết nó là một động-lực rất mạnh, nó xô đẩy ta đi khám phá những cái bí-mật của vũ-trụ. Trong cuộc mạo-hiểm ấy, có khi ta quên sự yên vui của ta, cả cuộc đời ta, cả bản-thân ta nữa. Chỉ tìm chân lý, đó là mục đích của nhà bác-học, của nhà thám-hiểm, của những nghệ-sĩ thâm-trầm, của những người luôn luôn hoạt-động, vì luôn luôn phấn-đấu, theo đuổi, đi tới.

Trái lại, bọn giàu tri-thức nói ở trên — bọn nguỵ-tri-thức, — những con vẹt ấy, chỉ là một bọn lười biếng, tham lam và thô bỉ. Chúng nhờ trường học, sách vở, báo chí... để lượm lặt một cách quá dễ dàng những ánh sáng mà loài người tốn bao nhiêu công-phu mới tìm ra được. Nhưng, — cũng là quả báo — cái kho tri thức phi nghĩa ấy có giá-trị gì đâu?

Xét kỹ ra, những quan niệm của họ về cuộc đời chỉ là phản-ảnh của sách vở, không đượm một mùi vị gì của sự sống. Những sản phẩm của họ — nếu có — chỉ là những trò chơi không quan hệ. Những bài thơ khô khan, những mẩu tư-tưởng rời-rạc, những bức tranh thiếu màu sắc, những lời văn kêu và rỗng... tất cả những thứ ấy biểu lộ một tài nghệ tiểu xảo để làm choáng mắt những người ngây thơ.

Hơn thế nữa, những sản phẩm « toàn tri » ấy lại là những cạm bẫy tai hại. Bọn ngụy tri thức đem reo rắc những ý tưởng hoài nghi, khinh-bạc, chán nản... Những thứ này rất dễ ảnh hưởng đến tinh thần thanh niên, vì thanh niên hay bồng bột quá tin. Chúng ta thường thấy có những bạn trẻ trong vòng hai mươi tuổi đã mang ở trong đầu những quan niệm rất già giặn, rất khôn ngoan về cuộc đời. Đó là tại tinh thần của họ đã bị những sách vở ác hại kia làm cho khô khan, cằn cỗi đi rồi.

Bọn ngụy tri thức không thể tránh được cái tội làm giảm chí khí của thanh niên bằng cách phô bày cái tinh thần ươn hèn của họ. Cái tinh thần ươn hèn ấy là cái mà chúng ta gặp trước nhất khi đi sâu vào đời riêng của họ.

Những người gọi là tri thức ấy thường rất đam-mê những thứ xác thịt thô bỉ. Cuộc đời toàn trí của họ chống-chải quá, im lim quá. Họ cần phải mượn rượu, thuốc phiện, cờ bạc, người đàn-bà để khua động tâm-hồn họ chút đỉnh. Nhưng họ khác hẳn với những người đam-mê ở chương II. Những người này mù quáng nên cho những thứ bả mà họ tìm kiếm là những thiên-đường, những mục-đích tuyệt-đối của loài người.

Trái lại, người tri thức trông thấy rõ sự trụy-lạc của họ; họ lại còn cố-tình đi xuống nữa để quên cái chống-rỗng vô cùng khổ-sở của những người tê-liệt trái tim.

Nhiều khi họ lại phạm những tội-lỗi rất lớn, mà phạm một cách có ý thức: ăn cắp, lừa đảo, hoang dâm... Làm ác một cách thản-nhiên, họ cũng không còn biết hối-hận là gì nữa. Trong bài tựa cuốn Le disciple (Người đồ-đệ) của Paul Bourget viết vào khoảng 1830, nhà văn-hào ấy đã lột cái mặt nạ của những kẻ bất-lương ẩn-nấp đằng sau khoa-học để làm bậy. Ở xứ ta, chưa có những hạng tri giả nguy-hiểm ấy. Tuy nhiên, có nhiều người du-học ở phương xa về đã nêu lên giữa xã-hội những gương sống rất xấu. Cho đến nỗi chúng ta vốn là một dân-tộc trọng học-giả, mà nay phải ngờ vực cái giá-trị của những người gọi là trí thức.

Xét cho kỹ ra, không phải trí thức làm cho người ta kiệt-quệ. Ở trong bọn ngu phu vô-học cũng có rất nhiều con vẹt sống toàn bằng trí. Chúng cũng luận theo phong-tục xã-hội mà biết rõ điều phải, điều trái. Nghe chúng nói thì chúng cũng là những người biết nghĩ, khôn ngoan, nhiều khi lại khoáng đạt nữa. Thực ra, bao nhiêu sự tốt đẹp chỉ ở đầu lưỡi chúng mà thôi. Lòng chúng nguội lạnh, thân-thể chúng bại-hoại, chúng không hành-động gì cả, không làm cái gì lợi, cái gì đẹp cho sự sống ở xung quanh. Chúng lướt qua những cảnh lầm-than của xã-hội mà không thương xót, không phẫn uất; đứng trước những gương xã-hội đẹp đẽ, chúng cũng thản-nhiên không cảm động. Đó là những tâm-hồn rất khô khan, rất cằn cỗi, rất eo hẹp, không bao giờ mở rộng ra để đón lấy sự sống ở bên ngoài. Đó là những bộ óc đã hoàn toàn ly-dị với thân thể; tư tưởng, ở đây, lởn vởn trong không-khí không bắt rễ vào tình cảm, vào giây thần-kinh, vào bắp thịt, vì thế nên không thực hiện được. Lời nói, ở đây chỉ là một trò quỉ-thuật xảo-trá để dấu-điếm những linh hồn đã hư nát, những sinh lực đã tàn-tạ...

Nếu trí-thức là ánh sáng thì ở đây, chỉ có một ánh sáng leo lét, lạnh leo, ảm-đạm như bóng tà dương của chiều đông.

Cuộc đời của những người bất-định vì tình cảm sôi nổi quá thường lộn-xộn và đau đớn. Nhưng cuộc đời của bọn trí-thức khô khan lại im-lìm tê lạnh, lại khổ-sở hơn nhiều. Những kẻ đáng thương nhất, không phải là những người dốt nát, mà chính là những kẻ thông-minh sáng suốt chỉ sống toàn bằng trí vậy.


Ngày xưa, một nhà nho gầy gò có móng tay dài và thuộc lâu kinh-sử được xã-hội quí-trọng.

Ngày nay, chàng thư sinh chăm học đến nổi xanh-sao cận-thị và rút-rát..., một người chỉ có trí-thuật và không làm nên việc... là những nạn-nhân đáng thương-hại, những con bệnh cần phải chữa.

Nhưng nguyên-nhân ở đâu? Ở hoàn-cảnh xã-hội? Ở giáo dục nhà trường? Ở tính-cách di-truyền?

Những người trí-thức bất-lực thường hay đổ tội cho là tại xã-hội tổ-chức không được chu-đáo, nên những tình-cảm nồng-nàn và những năng-lực hoạt-động của họ không phát triển được. Họ tin rằng họ cũng muốn làm một nhà kỹ-nghệ, một nhà buôn, một nhà thám-hiểm, một nghệ-sĩ, họ cũng muốn sống một cuộc đời ngang-tàng mãnh liệt. Nhưng họ không thể làm được vì xã-hội không dành đủ cho họ những tài-liệu, những phương-pháp để đạt chí-nguyện của họ. Những con đường tưng-bừng bị mắc ngẵng, buộc lòng họ phải âm thầm đi tìm những sách-vở, những lý-thuyết, những trò chơi trí-thức... để cho qua ngày tháng. Không làm thỏa mãn được sức bồng-bột của trái tim, của bắp thịt, họ dồn cả sinh-lực lên khỏi óc để hưởng lấy sự mơn-trớn của những kiến-thức mà họ đã lượm-lặt được. Bị cản-trở không nhảy được lên vô-đài để thi thố tài năng, để ganh đua với đời, họ quyết đóng một vai khán-giả rất tinh-tường, rất sắc-mắc, họ không muốn bỏ qua một hiện-tượng nào của cuộc đời. Họ xem xét, soi-bói, tính-toán, cân-nhắc, suy-tưởng, ức-đoán. Họ muốn in vào trong óc họ tất cả những phản-ảnh của sự sinh-hoạt bên ngoài. Tuy họ không làm gì, không sống, nhưng họ muốn hiểu sự sống!

Họ muốn dùng trí-tuệ để vượt ra khỏi sự áp-bức của hoàn-cảnh. Họ đổ tội hoàn toàn cho xã-hội đã lung lạc họ, họ không chịu nhận lấy một phần trách nhiệm nào. Nhưng hoàn cảnh không bao giờ tự-nhiên vì họ mà thay đổi, nên rút cục suốt đời họ kéo lê những ngày im lìm tê lạnh.


Lại có những người không kết tội hoàn cảnh, mà chỉ kết tội giáo-dục. Sự học nhồi sọ của nhà trường — theo ý họ — đó mới là nguyên nhân chính đã đào tạo nên những người trí-thức bất lực. Một khi giáo-dục chỉ chuyên môn gây cho mọi người một kho tri-thức đầy đủ (?) dùng làm một lợi khí để giành giật phần sống, thì không những sự phát triển của con người sẽ sai lệch, cố chấp, mà ngay đến trí tuệ cũng bị tê-liệt dưới sức đè nén của cái trí kiến-thức một ngày một đầy, một nặng. — Sau một thời kỳ huấn-luyện, cái thói quen trí-thức như thành một « thiên-tính ». Người trí giả sinh ra khô-khan, lạnh lùng, yên lặng, mỏi mệt. Hắn không dùng những giác-quan, những tình-cảm để hiểu cuộc đời nữa. Hắn trông mọi vật qua cái màn trí-thức mà giáo dục đã đeo cho hắn.

....... cái phương-pháp giáo dục eo hẹp chỉ vun trồng có trí-tuệ, và bỏ những tình cảm và những năng lực hoạt-động. Các bậc cha mẹ, ông thầy học, những sách vở... phải gánh cái trách-nhiệm là làm cho một thanh-niên thông-minh quá hóa ra kiệt quệ.

Thêm vào đấy người ta lại kể cả những tính cách di-truyền. Nếu ta là một người trí thức bạc nhược, ...... thì ta không thể nào tránh khỏi những thói lười biếng, nguỵ-biện, lẩn trốn. Dù ta có thông-minh đi nữa, thì những nết di truyền ấy cũng vẫn lôi kéo ta vào những quan-niệm, những hành vi đáng buồn của những người đã tạo tác nên ta.


Ba cái ảnh hưởng kể trên đây (hoàn cảnh — giáo dục — di truyền) không phải là không quan hệ. Song, nói như thế tức là lột hết trách nhiệm của cá-nhân, tức là tước mất cái quyền phấn đấu và cái cơ giải thoát của những người lầm lỡ và đau khổ.

Những người quá thiên về tri thức là những người yếu sinh-lực. Tại sao vậy?

Tại hoàn cảnh, hoặc giáo-dục, hoặc di-truyền, hoặc cả ba thứ ấy đã đeo cho họ một « bản-ngã trí-thức » rất nặng nề: nó hút hết sinh lực của họ. Và cũng tại họ không giác ngộ để rút bỏ cái bản ngã tai hại ấy đi. Trái lại, hằng ngày họ lấy làm thú-vị mà bồi đắp cho cái bản ngã ấy một ngày một to ra. Họ thích có một kho tri-thức thật dồi dào, thật đầy đủ, và họ muốn ngồi yên để hưởng thụ. Họ sợ hoạt động, vì hoạt động tức là cọ sát với thực tế. Mà cọ sát với thực tế thì sẽ có rất nhiều kiến-thức không thích hợp — đó là những thành kiến — phải bị đổ vỡ không thể nào tránh được.

Họ cố giữ lấy cái bản-ngã xúc-tích ấy nó mang lại cho họ nhiều khoái-cảm. Nhưng cái kho tri-thức ấy không phải của họ làm ra, họ đã đi lượm-lặt của người khác, họ giữ làm vật sở-hữu của mình. Đó là một thái-độ thu vét giữ-gìn, thụ-động, một trạng-thái « chết ». Chính cái kho tri-thức phi nghĩa ấy đã kết tụ xung-quanh bản ngã của họ, nó bắt họ luôn luôn phụng-sự cho nó, nó làm cho thân thể họ mỏi mệt, cho tình cảm họ khô cạn. Nó hút hết sinh lực của họ, chia lìa họ với cuộc đời xung quanh, biến họ thành những con vẹt đầu to mà căng liệt.

Hạng ngụy tri-thức, sở dĩ không làm nên việc gì cả, chỉ vì họ ích-kỷ, chỉ vì họ ngu-muội đã giam họ ở trong vòng yếu-đuối.


Ở các thời đại quá trọng tri thức, những người biết nhiều thường được coi là những bậc thượng lưu. Những người khôn khéo cũng chiếm được địa vị khá giả. Đó là lúc trí tuệ gặp vận may.

Ngày nay, ta biết rằng những kiến thức sẽ rất vô ích cho đời sống, nếu những kiến thức ấy không đem thực hành. Cái trình độ tri thức của mỗi người không quan hệ mấy. Đời hoạt động, những tác phẩm, đó mới là tiêu chuẩn đích-đáng để định giá những người và những cuộc đời.

Trong bảng giá trị ngày nay, người có trí thức nhưng bất lực cũng bị liệt xuống chỗ thấp nhất.