Nhảy tới nội dung

CHƯƠNG II

Những con thiêu thân

Thiếu thân là một con bọ sống ở những bụi hay ra kiếm ăn về đêm. Hễ thấy ở đâu có ánh lửa thì nó bay đến và lao mình vào bay lượn xung quanh. Bị nóng, bị bỏng nó cũng không thể rời bỏ đi được, và cứ quanh-quẩn ở đó cho đến khi nào ánh lửa tắt hẳn hay chính nó bị thiêu đốt.

Ở xung-quanh chúng ta, có nhiều người xử-sự như những con thiếu thân. Nhất là khi không có một dư luận sáng-suốt và nghiêm-nghị, thì cá-nhân — hoặc có khi một nhóm đông — rất dễ bị sô-đẩy theo một dục-vọng hay một thành-kiến mù-quáng nhưng mãnh liệt. Những người ấy thường lại là những người tưởng như giàu sinh-lực và có tài-ba lỗi-lạc.

Thường là những người trẻ tuổi khí-huyết sôi-nổi, hay là những người, tuy đã đứng tuổi, nhưng vẫn còn tráng-kiện, hăng-hái.

Những "người thiêu thân" chưa bao giờ bị coi, hay được coi là những bệnh-nhân. Ta gọi họ là những người đam-mê. Nhưng, người ta có thể đam-mê đạo-lý, khoa-học, mỹ-thuật, văn-chương, hoặc đam-mê ngay những công-việc làm ăn hằng ngày mà gây nên được những sự-nghiệp bổ-ích cho đời. Trái lại, những "người thiêu thân" nói đến ở đây chỉ đam mê vật dục. Những cái đam mê có tính-cách thú-vật này không những đã tàn-phá thân-thể và tâm-hồn của họ, mà lại còn làm liên-lụy, làm phiền-nhiễu, đổ tai-vạ cho người khác nữa. Vì thế nên những người thiêu-thân nếu không bị thương hại thì sẽ bị khinh-bỉ.

Vậy những người ấy đam-mê những thứ gì? Cuộc đời của họ khốn khổ ra làm sao? Và tại sao họ lại đâm ra như thế?

Người ta thường dùng ba chữ "tứ đổ tường" để chỉ những thứ làm cho người ta khuynh-gia bại sản. Nhưng không phải chỉ có rượu, người đàn-bà, thuốc phiện, và cờ bạc, tuy rằng đó là bốn cái bả độc nhất.

Liên vào đây, ta phải kể cả sự ham ăn uống cho sướng miệng, sự tích-trữ tiền-bạc và đồ-vật, sự ham-mê đàn-hát, tiểu-thuyết, chớp bóng, sự ham-mê danh-vọng, cái bệnh giang-hồ phiêu-bạt... tất cả những cái gì nó kích-thích thần-kinh, nó mang lại những cảm-giác say-sưa, nó làm cho ta thấy rằng "sống" hơn lúc bình thường.

Đối với những người chỉ cảm thấy mình thực sống khi đam mê, những lúc bình thường, là những quãng đời rất nhạt-nhẽo, rất khổ sở. Trong một ngày, họ chỉ sống có một giờ, trong một năm họ chỉ sống có vài chục ngày, cuộc đời của họ rút ngắn hẳn lại. Chỉ có những phút say-sưa là đáng kể! Vì thế, nên hằng ngày họ thấy hiện-tại khó chịu; họ ngồi nghiền-ngẫm lại những cảm-giác đã qua, và mơ tưởng những cuộc khoái lạc sẽ đến. Hễ hơi có một dịp nào để thỏa mãn được dục-vọng, hễ thấy bóng "thần tượng" của họ ló đâu ra, là họ chồm lên ngay như một người đã chết mà sống lại. Bây giờ mới là lúc họ hoạt-động. Họ có thể làm được tất cả những cái gì có lợi cho sự hành-lạc của họ. Ta đã thấy những tình-nhân chèo đèo lội suối để thấy mặt người yêu, những con bạc cay gỡ đánh đập vợ con để trả khảo tiền của, những kẻ nghiện ngập làm đủ mọi cách đê mạt để kiếm ra thuốc hút. Cũng có khi, trong bọn đam mê ấy cũng có những người hữu ích. Vì say rượu mà một thi-sĩ tài-hoa làm ra những bài thơ bất hủ; vì hiếu danh mà ông nhà giàu kia đã bỏ tiền ra làm những việc công-ích; vì muốn được lòng người yêu mà thiếu-niên kia đã làm nên những công-chuyện phi thường! Nhưng số phận của những tác-phẩm ấy cũng rất mong-manh. Một khi cái khoái cảm đã đi đến tận-cùng thì sự hoạt động cũng đứng lại: thi-sĩ nọ chỉ có một lần lên tiếng, ông nhà giàu nọ chỉ có một lần làm việc nghĩa, thiếu-niên nọ chỉ anh hùng trong mấy ngày.

Ngoài ra, họ không hề nghĩ đến cuộc đời xung-quanh, không làm một việc gì có tính cách vô-ngã, làm lợi cho sự sống, làm đẹp cho sự sống của mọi người. Nhà bác học suốt đời cặm-cụi trong phòng thí-nghiệm, nhà kinh-quốc suốt đời tận-tụy để lo toan phận-sự, nhà thám-hiểm tự đày-đọa mình vào những nơi xa-lạ mông-mênh, đến ngay nhà kinh-doanh luôn luôn bôn-ba để mở-mang cơ-nghiệp... Những người ấy cũng đam-mê, và có lẽ cũng chỉ là chạy theo những dục-vọng của mình. Nhưng đó là những cái đam-mê "cao-đẳng", những dục-vọng sáng-suốt, những sinh-lực giải-phóng và bền-vững — những nghị-lực. Cuộc đời của những bậc ấy là một cảnh hoạt-động tung-bừng, thoáng khí, đầy ánh sáng, đầy sinh-thú. Đem so với những chuỗi ngày tẻ ngắt của những kẻ chỉ sống cho xác thịt, cho tư-dục, thì thực là khác xa một trời một vực! Chỉ sống cho tư-dục là những kẻ sinh-lực yếu-đuối, không đủ để cảm thấy cái thú hồn-nhiên, giản-dị của sự sống, không đủ để vượt ra khỏi bản-thân mình, không đủ để dự vào cuộc sống lao-cần, linh-hoạt của vạn-vật.

Đó là những con sên, con ốc bị giam trong những cái vỏ dầy-đặc và kín-mịt. Thường thường im lìm, chỉ thỉnh thoảng chúng mới ngọ-ngậy và thò đầu ra, rẫy rụa đi tìm những cảm-giác gay-gắt để tỏ ra rằng mình còn sống. Cuộc đời của chúng càng tẻ lạnh bao nhiêu, sự hành-lạc điên-cuồng của chúng càng tàn-nhẫn bấy nhiêu. Đã có kẻ say rượu rồi đánh mẹ, đã có kẻ ham tiền bạc, danh vọng mà giết vợ từ con, đã có kẻ vì một nụ cười một khoé mắt mà quên lãng những bổn-phận thiêng-liêng. Cái giốc của duc-vọng ích-kỷ có một sức sô-đẩy mãnh-liệt nó đưa những kẻ khốn-khổ ấy đến mọi tội-ác, mọi thảm-trạng. Nếu ta xét lại những vụ chém giết, loạn-dâm, tự-tử, đầu-độc… ta sẽ thấy rằng những cái họa đó không xảy đến cho những người lao-cần chăm-chỉ mà chỉ xảy đến cho những kẻ ham những thú say-sưa sắc như dao, nóng như lửa. Những văn-sĩ lãng-mạn đã có một hồi ca-tụng người đàn-bà, rượu, thuốc phiện và tất cả những cái gì có thể làm cho người ta điên-cuồng chốc lát. Nay xét rõ ra thì ở xứ nào cũng vậy, văn-sĩ lãng-mạn chỉ là những người ốm, những người yếu sinh-lực, những người không giữ được cái mực sống của người thường, đã bị rơi xuống một cuộc đời tối tăm và lạnh-ngắt, đã bị trôi đi theo những khích-thích tạp-nhạp của hoàn cảnh trụy-lạc. Muốn tự bênh-vực, họ tự cho là những nạn-nhân của thời-đại. Thực ra, cái danh-từ đích-đáng và xứng-đáng nhất phải đeo cho họ là trụy lạc nghĩa là rơi xuống và trôi đi.


Trang-thái đau-khổ và nguy-hại của những người lao đầu vào những thú vui rồ-dại quả thực là một trạng-thái bất thường, thuộc về bệnh, và đưa dần về chết.

Nguyên nhân ở đâu?

Hầu hết những người « ham chơi » thường tự thú là họ buồn lắm, đời họ chán lắm. Cả đến những người đã tôn sự khoái-lạc lên thành một chủ nghĩa, đã coi sự hành lạc như một nghệ-thuật. Họ không phải là những người yêu đời, yêu mình. Họ sẵn lòng liều-thân hoài-thể vào những cuộc vui suốt sáng, tràn cười thâu đêm. Họ biết rượu, thuốc-phiện, cà-phê thuốc lá là những vi độc, nhưng họ không cần đến sức khỏe, họ chỉ cần mê, say, quên. Ở trước mắt họ, đời nhạt quá, yên quá, thường quá, xấu quá. Phải đảo lộn nó lên, hoặc nếu không được — thì phải tự huyễn-hoặc mình đi để trông đợi cho nó khác đi. Họ không lùi trước một cuộc say sưa nào. Họ không sợ một trừng-phạt nào. Mất tiền của, mất danh giá, đeo bệnh tật, bị trơ-trọi, bị sĩ nhục... họ đau, rồi lại quên. Như ngựa quen đường cũ, họ phải vượt các trở lực để giở lại cái vui cháy lòng, cái lo thắt ruột, cái vị chua cay đã quen nếm trải. Họ làm tất cả mọi sự điên cuồng chỉ để mà quên, mà đi trốn hiện tại.

Sao vậy?

Hầu hết những người ấy đã gặp một việc gì bất-mãn ở đời. Họ đã lỡ một tình-duyên đằm-thắm, đã mất một địa-vị êm ái, đã nhầm một bước công-danh rực-rỡ, họ đã chót làm một điều tội-lỗi. Không-thực-hiện được nguyện-vọng sâu-xa của mình, trí nghĩ họ lúc nào cũng lởn vởn đến những cảnh huống vẽ ra trong tưởng-tượng. Họ mang sinh-lực tung-tóe vào những mơ-mộng hão-huyền. Họ không rứt được với những ám-ảnh đen tối của mình, nghĩ đến mình hoài, rầy vò mình hoài. Cứ như thế trong một thời-kỳ khá lâu. Tùy theo sức từng người, sinh-lực mòn-mỏi dần, sụt dần. Rồi đến một lúc, họ thấy không còn hy-vọng gì nữa, họ không nghĩ đến phấn-đấu nữa; cái vết thương của họ vẫn âm-ỉ cắn-rứt, nhưng không chữa được nữa, họ đành cố quên đi. Đã hết sức để hoạt-động, cuộc đời của họ buồn tẻ, không đủ yên-ủi cho họ nữa. Hơn thế, họ thấy mình suy dần, chết dần. Thỉnh-thoảng, trong những lúc xuống quá, chết quá, họ thấy cần phải tự cử mình. Chỉ có cách lao đầu vào các cuộc vui dễ-dàng, mặc dầu nguy-hiểm.

Nói như thế, thì hình như họ không có trách-nhiệm gì trong sự trụy-lạc của họ. Một người khác, hoặc gia-đình hay xã-hội đã gây mối thất-vọng cho họ, và vì một lẽ gì đó họ đã chịu đựng, không chống lại.

Không phải vậy. Trên đời này thiếu gì sự bất-mãn? Có phải người nào bất mãn cũng sinh ra chán đời rồi sinh ra đam-mê đến trụy-lạc đâu?

Nguyên nhân chính, ở đây, là cái bản-ngã cồng-kềnh của họ. Chính di-truyền, giáo-dục gia-đình và xã-hội, và những hành-vi vô-ý-thức của họ, đã gây nên cho họ cái vô oan-gia ấy. Cho đến khi gặp một sự bất-mãn, khi một trở-lực bên ngoài đánh một đòn vào đó và làm cho nứt rạn, họ đau sớt quá, bị thương quá, không dậy được nữa. Đó là những người rất ích-kỷ. Họ cho họ là to lớn, quan-trọng.

Đối với họ, hình như vũ-trụ này sinh ra chỉ là để phụng-sự cho họ mà thôi. Khi mà họ không được toại nguyện thì vũ-trụ hình như không có nữa. Họ không thể nào tha thứ được cho một người nào, hay một hoàn-cảnh một trở-lực nào đã dám làm ngang-trái họ. Nhưng, vì suýt-soa quá, đau khổ quá, họ nghĩ đến vết thương nhiều quá đến mình nhiều quá, nên họ không nghĩ đến phấn-đấu nữa. Cho đến lúc kém sức không thể phấn-đấu được nữa, thì họ chán đời. Chán đời thì họ đi trốn. Và càng trốn, họ càng yếu-đuối, càng khổ-sở, càng thất vọng.


Những con thiếu-thân ấy đáng thương-hại hay đáng khinh bỉ? Kết-án họ một cách luân-lý, một cách xã-hội theo một dư luận đạo-đức như thế, thật là không bổ-ích gì cả.

Chỉ nên hiểu rằng đó là những sinh-lực bị tù-hãm trong những cái vỏ bản ngã rất dầy. Những trở-lực, những nghịch-cảnh, những bất mãn đáng lẽ là những cơ-hội rất tốt để cho họ phá vỡ bản ngã và giải-phóng sinh-lực, thì lại làm cho bản-ngã co rúm lại, đè chĩu xuống, áp bức thêm.

Họ chỉ có một tội là không sáng-suốt. Vì thế, nên ở phần thứ hai của sách này, chúng ta sẽ thấy họ rẫy-rụa để thoát-ly, và sự ngu-muội nọ thêm vào sự ngu-muội kia làm cho sinh-lực họ đã yếu-đuối lại yếu-đuối hơn, cuộc đời họ đã khổ-sở lại khổ-sở hơn.