Nhảy tới nội dung

CHƯƠNG I

Thế nào là yếu?

Có những hồi mà một tủ bạc, một mảnh bằng, một cái ái-tình đã được nâng lên địa-vị một thần-tượng cho cả một thế-hệ. Những thứ "hạ-đẳng thần" ấy đã lôi kéo chúng ta vào những tấn trò hoặc gay-gắt, hoặc lố-bịch, hoặc bi-sầu. Xã-hội đã làm phong-cảnh cho những cuộc sống nhỏ-nhen, nông-nổi và nhạt-nhẽo.

Cho đến ngày nay, trong làn khói lửa chiến-tranh đang bao-trùm thế-giới, những thần-tượng giả-hiệu kia cùng rủ nhau đổ nhào một lượt. Ngày nay, chúng ta không lo nghèo nàn, không cần hiếu-danh, không sợ hiu-quạnh.

Lý-tưởng của chúng ta ngày nay là sức-khoẻ. Đó mới là báu-vật, có liên-lạc mật-thiết đến sự sống của tất cả mọi người. Một người không có sức khỏe là một người khốn-khổ nhất, vì hắn không còn bấu víu vào đâu mà sống được nữa.

Chúng ta ai cũng muốn khỏe, ai cũng sợ yếu. Tuy nhiên, thường ít người hiểu rõ thế nào là khỏe, là yêu. Phần đông chỉ chạy theo một mẫu người hùng đã phác-họa ra trong tiểu-thuyết và tự thúc dục mình rập theo khuôn ấy.

Đó không phải là vun cây từ gốc, khai sông từ nguồn, đó không phải là phương-pháp hiệu-nghiệm để thực-hành sức-khỏe.

Bởi vậy, là những người đi tìm sức khỏe — là những người yếu — chúng ta phải bắt đầu từ chỗ phải bắt đầu, nghĩa là từ con người của chúng ta, từ đời sống của chúng ta, từ những cái khuyết-điểm nó làm cho chúng ta đau-khổ và ao-ước.


Hàng ngày, thường khi nói đến sức khỏe chúng ta chỉ nghĩ đến thân-thể. Người trẻ tuổi muốn có bắp-thịt nở nang; người đứng tuổi lo cho bộ sinh-dục, người già lo cho bộ tiêu-hóa. Ta muốn có ngay một cách tập-vỏ thần-hiệu hay một bài thuốc bổ để đạt mục-đích.

Rất ít người quan-tâm đến sức mạnh của tình-cảm, của ý nghĩ; rất ít người lo rèn luyện bộ thần-kinh là cơ-quan cốt yếu chi-phối cả sự sinh-hoạt của thân-thể và tâm-hồn.

Đó là một điều lầm.

Sức khoẻ của thân-thể vẫn là cần. Nhưng không đủ. Thân-thể tự nó không đứng vững được. Trong cái ăn, cái ngủ, cái chơi… nó hay bước đi quá độ, đi đến chỗ bại hoại. Nó lại còn phải chịu ảnh-hưởng trực-tiếp của những dục vọng ngu-xuẩn, những tình-cảm gay-gắt, những ý-nghĩ đen-tối. Những thứ này có thể làm cho nó ốm được, chết được. Chỉ săn-sóc đến sức khoẻ của thân-thể và sao nhãng sức-mạnh tinh-thần, tức là giao-phó cái vận-mệnh của mình cho cái phần người rất nông-nổi và mù-quáng: thân-thể.

Vả chăng, cuộc đời của loài người sẽ eo-hẹp, sẽ tục-tĩu biết chừng nào, khi cái phần người mà ta nhận là thanh-cao nhất lại không được vun-trồng một cách chu-đáo? Chúng ta thường tự-phụ là một dân-tộc bốn nghìn năm văn-hiến, chuộng tinh-thần (?) và khinh vật-chất (?), vậy mà đời sống của chúng ta từ xưa đến nay chỉ quanh-quẩn ở trong một khuôn-khổ xã-hội rất chật-hẹp nó bóp chết sự phát-triển khoáng-đạt của mỹ-thuật, văn chương, trí-tưởng, tôn giáo. Phải chăng là ta đã coi thường cái phần hồn của chúng ta?

Thực ra, ở người mình, hai tiếng tinh-thần chỉ có nghĩa là một thói quen nô lệ cho những phép-tắc độc-đoán của một xã-hội bị đầu-độc bởi những thành-kiến sai lầm.


Theo khoa-học ngày nay, con người chỉ là một cái máy, nhưng là một cái máy đầy-đủ. Ngoài cái phần thân-thể rất phức-tạp, rất tinh-vi mà các nhà bác học đã mổ-xẻ phân-tách ra để soi-xét từng-li từng tí, lại còn cái phần tâm-hồn gồm có những dục-vọng, những cảm-giác, những tính-tình, những tư-tưởng. Cái phần này lại còn phiền-phức, còn huyền-diệu, còn bí-hiểm gấp mấy muơi lần. Biết bao nhiêu nhà triết-học, đạo-học, biết bao nhiêu thi-sĩ thâm-trầm đã hy-sinh cả hạnh-phúc và đời sống của mình mà cũng không biết đâu dò hỏi cho đến bờ bến, đến nguồn gốc của tâm-giới.

Chúng ta lấy làm lạ tại sao một người lại có thể phát điên được vì một tư-tưởng, tại sao một tình-cảm lại có thể làm đảo-lộn được một kiếp người, tại sao một chủ-nghĩa lại có thể lôi cuốn được cả một dân-tộc? Đó là tại chúng ta không nhận thấy, không cảm thấy cái mối liên-quan mật-thiết của thân-thể và tâm hồn.

Cả hai phần ấy cùng chuyển động luôn luôn, và ảnh-hưởng qua lại lẫn nhau không lúc nào ngớt. Ở một người đầy-đủ, thân-thể và tâm-hồn chung-đúc lại thành một khối. Hoàn-cảnh bên ngoài không thể nào khích-thích một phần người mà lại không động đến phần kia. Những tính cách của tâm hồn phát hiện ra trên hình-hài, và tâm trạng của mỗi người chúng ta đều biến theo cái phản-ảnh của cuộc sinh-hoạt trong cơ-thể.

Sở dĩ hai phần người ấy có thể kết-hợp lại thành một bộ máy linh-hoạt như thế, là vì có một động-lực chung nó điều-khiển cả hai. Động-lực ấy là sinh-lực (1).

Đối với khoa-học ngày nay, sinh-lực còn thuộc vào một giả-thuyết. Cái giả-thuyết này, tuy chưa được công-nhận hoàn-toàn, nhưng cũng không ai đánh đổ được. Vì người ta có thể dựa vào đó để hiểu được những hiện-tượng sinh-lý rất ly-kỳ mà khoa-học không giải được. Ví dụ sự hạt thóc trổ ra cây lúa, sự quả trứng nở ra con gà. Và khi ta nói đến sức mạnh của bắp thịt, sức mạnh của trái tim, sức mạnh của khối óc, ta phải hiểu đó là ba cách phát-hiện khác nhau của một nguồn sinh-lực chung. Chính vì thế mà một người quá thiên về tri-thức thì tình-cảm thường khô-khan, một người ham sống bằng thể-chất quá dễ sinh ra thô-bỉ, và một người dễ cảm-động quá thì kiến-thức thường hẹp-hòi. Vừa có thừa sức để làm một lực-sĩ, vừa có thông-minh để làm một nhà bác học, vừa thừa tình-cảm để làm một thi-sĩ, phải là một người rất giàu sinh-lực, một thiên-tài đặc-biệt. Số người đó rất hiếm. Thường thường sinh-lực chỉ phát-triển mạnh về một phía: thiên về trí, sinh-lực đào-tạo ra bậc thánh, bậc trí-giả; thiên về tình, sinh-lực đào-tạo ra bậc hiền, bậc nhân giả; thiên về hành-động mãnh-liệt, sinh-lực đào-tạo ra bậc anh-hùng dũng-cảm. Tư cách của mỗi người chúng ta chỉ là kết-quả của sinh-lực thiên-nhiên đã pha trộn nhào nặn những tính chất di-truyền, những ảnh-hưởng của giáo-dục gia-đình và xã-hội, và những tác-động có ý thức của riêng chúng ta.

Bởi vậy cái cột-trụ, cái động-cơ của đời sống là sinh-lực. Không nhận thấy cái điều cốt-tử ấy, thì không thể nào hiểu được mình là cái gì, tại sao mình yếu, và làm thế nào cho khoẻ được.


Một điều quan-trọng nữa là phải nhận ra cái ý nghĩa xác-đáng của sự sống. Tôi nói ý-nghĩa chớ không phải mục-đích. Thường thường người ta vẫn gán cho đời sống một mục đích tùy theo cảnh-ngộ và tâm-tính từng người. Người thì cho là sống để tìm những khoái-cảm, người thì cho là để gây một sự-nghiệp, người thì cho là để làm một bổn-phận, để theo một lý-tưởng vân.vân... Định cho cuộc đời một lẽ sống như thế, thực là thiên lệch, cố chấp, hẹp-hòi. Đã dành là mỗi người có một hay nhiều ước vọng muốn làm thỏa-mãn. Nhưng những ước-vọng ấy không phải là mục-đích của sự sống. Sự sống không có mục-đích. Tự nó đã là cứu cánh cho nó rồi. Sống là đủ rồi.

Nhưng sự sống có một ý nghĩa, có tính-cách đặc-biệt của nó. Những ước-vọng riêng của ta chỉ là những điều-kiện cần-thiết để đạt cái ý nghĩa ấy, cái tính cách ấy chưa đi được tới đó là đời sống của ta còn non-nớt, còn nông-nổi, chưa thể gọi là sống được.

Vậy sự sống là gì?

Là một cuộc chiến-đấu kịch-liệt và không ngừng của sinh-lực ta chống lại với sự chết.

Ở ta và ở xung quanh ta, cái chết lúc nào cũng chỉ lăm-le phá-hại thân-thể và tâm-hồn ta và ngăn trở không cho phát triển ra được.

Ở ta, có những chất độc và vi-trùng đã lọt vào, và nguy-hiểm hơn nữa là những tính-tình dở-dang, những tư-tưởng sai lầm nó kết-tụ lại thành một bản-ngã dày-đặc để giam-hãm sinh-lực.

Ở ngoài, ta phải cày ruộng, may áo để khỏi bị đói rét, ta phải coi chừng thú-vật nó có thể cắn xé hoặc phun nọc độc cho ta; ta phải chống-cự, khuất-phục và điều-khiển những sức mạnh thiên-nhiên như gió, nước, lửa, điện, ta lại còn có khi phải đối đầu với đồng-loại để giữ gìn hay dành-dật lấy phần sống của ta.

Trong cuộc xung-xát đầy-rẫy của Sống và Chết, cái mệnh của ta như treo bằng sợi tóc. Cuộc chiến-đấu ngừng là ta chết. (1)


Trong khi đi tìm sức khỏe, cần phải nghiền-ngẫm, phải thực-hành hai cái quan-niệm thiết-thực về người và về sự sống trình bày ở trên đây.

Người ta là một sức-mạnh (sinh-lực) luôn luôn chiến-đấu với những sức mạnh khác của vũ-trụ. Hoàn-cảnh (bên ngoài và bên trong) công-kích cái “máy người” luôn luôn. Cái tốc-độ của bộ máy người luôn luôn thay đổi tùy theo sự công-kích ấy.

Khi nào sức linh-hoạt của nó không bị ngưng-trệ, ta cảm thấy ta là một kẻ đắc-thắng. Ta điềm-tĩnh, nhẹ nhàng, vui vẻ, rộng lòng yêu.

Ta là một người khỏe, khỏe ở thân-thể, khỏe ở tâm-hồn.

Trái lại, khi nào những trở lực làm cho cái máy người xệch lại, ta thấy nặng-nề, rối-loạn, hẹp hòi, đau khổ, sợ hãi, ta cảm thấy ta là một kẻ chiến-bại. Ta là một người yếu, yếu ở thân-thể, yếu ở tâm-hồn.

Xem như thế, thì khỏe và yếu không phải là những trạng-thái vĩnh-viễn của cả một đời người; đó là những trạng-thái luôn luôn suy-suyển, luôn luôn thay đổi. Không ai có thể nói được là khỏe hay yếu luôn luôn suốt từ trẻ đến già. Hai cái trạng-thái ấy thay phiên nối tiếp nhau như một cuốn phim nhiều màu sắc. Có điều là ở người này, những mảnh phim nhuộm các màu đỏ (ví dụ là màu của khỏe) hoặc nhiều hơn hoặc ít hơn những mảnh phim nhuộm các màu xanh (ví dụ là màu của yếu).

Như vậy, thì phân-biệt được người khỏe và người yếu rất khó, bởi vì những trạng-thái khỏe và yếu nói trên là những trạng-thái tâm-lý chủ-quan, người ngoài khó biết được.

Muốn phân biệt ta cần phải vin vào những kết-quả khách quan của những trạng-thái kín đáo ấy.

Người khỏe là người có nhiều năng-lực lao-cần để cấu-tạo ra những công-trình bổ ích cho sự sống ở ngoài mình. Sinh-lực càng giải-phóng ra ngoài bản-ngã thì người càng khỏe.

Người yếu là người ít năng-lực lao-cần, không làm gì bổ ích cho sự sống quanh mình hoặc lại còn bám hay phá-hoại vào đấy. Sinh lực ấy là một sinh lực bế tắc. Người yếu chỉ là một người ích-kỷ.

Dựa vào tiêu-chuẩn ấy, ta có thể phân những người không làm nên việc, những người yếu, ra làm bốn loại:

1.) Những «con thiêu-thân»: những người nghĩ một đằng làm một nẻo, những người bị bứt dần vào những tác-động vô-ích hoặc tai-hại mà không sao cưỡng được.

2.) Những «cái chong-chóng»: đó là những người không có chủ-định và kiên-nhẫn, họ chạy từ việc này sang việc khác tùy theo sự kích thích từng lúc, rút cục không thành việc gì cả.

3.) Những con vẹt, những người không có sức làm một việc gì ra hồn tuy rằng họ trông rõ ở trong trí những cái gì đáng làm.

4.) Những người bồ-nhìn, đã không nhúc-nhích, lại không cảm-xúc, không suy-nghĩ gì nữa. Đó là những người hoàn-toàn thụ-động.

Bốn loại này xếp thứ tự tùy theo tình-trạng nặng hay nhẹ của họ. Ba loại trên, ta thường gặp ở xung quanh ta, ít hay nhiều, tùy từng xứ và từng thời-đại. Loại thứ tư thuộc về thần-kinh bệnh-học và chỉ gặp ở trong các nhà thương điên.