Nhảy tới nội dung

CHƯƠNG V

Những bồ-nhìn

Sang chương này, chúng ta đi đến cái độ đường cuối cùng của ba chứng bệnh kể trên kia.

Ham-mê vật-dục (những con thiêu-thân) cảm-xúc lộn-xộn (những cái chong-chóng), suy-nghĩ viển-vông (những con vẹt), đó là ba trạng-thái hỗn-loạn của những sinh-lực yếu đuối. Sau một hồi rẫy-rua quằn quại như thế, những sinh-lực yếu-đuối kia kiệt dần. Rồi, tới một lúc, tê liệt hẳn. Con bệnh, ở đây, không khao-khát, không cảm-xúc, cũng không suy nghĩ nữa. Họ bị đầy tới sát bờ cõi của Thần Chết, họ không nhận ra địa-vị và hoàn cảnh của họ nữa, họ im-lìm không nhúc-nhích. Đối với những người xung quanh, họ không còn thuộc vào cuộc đời nữa, họ chết rồi. Sở dĩ người ta chưa mang chôn họ, là vì thỉnh thoảng một chút tàn-lực của họ lại bùng lên, như những ánh đèn lụn bấc còn bập-bùng trước khi tắt hẳn. Những lúc ấy, người bồ-nhìn của chúng ta lại thành ra hung-hăng dữ-tợn. Vì có những cơn điên nguy-hiểm như thế, nên người ta sợ họ, phải nhốt họ vào những nhà thương điên có rào khóa cẩn thận, tuy rằng họ là những người yếu nhất trong những người yếu.

Trong những buồng giam, họ ngồi bần-thần suốt ngày. Họ sợ ánh sáng, sợ tiếng động, không thích có người bên cạnh. Họ quên hết cả những sự cần thiết của thân thể, không tưởng đến ăn uống, rửa ráy, thay quần áo. Có ai dục, thì họ mới lại làm những việc ấy, làm như một cái máy. Họ diễn lại rất đúng những cử-chỉ lúc bình thường, nhưng không nhận thấy một cảm giác gì.

Họ lại quên cả cái tình-trạng của họ, quên cả những mối đau khổ đã rầy vò họ và biến họ ra như thế. Họ không còn là những người vừa mới đây thất bại trong công việc hay trong tình trường, không còn là những người vừa mới đây bị những sự giận dữ, thất vọng, hối hận... làm cho đau đớn đến điên cuồng.

Họ là những người khác rồi. Đi đến cái độ cuối cùng của đau khổ, họ đã vượt ra ngoài đau khổ.

Đồng thời, những tình cảm rất tha thiết của họ cũng tan vỡ hết. Họ nhìn vợ, con bè bạn như những người ngoài, không còn cảm thấy cái giây liên lạc nó trói buộc họ với ai nữa. Sau một hồi rung động quá chừng, trái tim họ co rúm lại, khô khan và lạnh lùng. Đó là cái cớ nó làm cho những người thân của họ xót-xa vô-cùng, xót-xa hơn là nếu họ bị một ác bệnh khác mà chết đi rồi.

Nhiều khi thấy họ trầm-ngâm yên lặng, những người xung quanh tưởng chừng như họ đang tìm-tòi, suy-nghĩ về một vấn-đề triết-lý hay tôn-giáo nào khó-khăn lắm, cao siêu lắm. Và có lẽ sự dụng trí quá chuyên ấy đã làm cho họ sao nhãng cá tính thần. Không phải. Trông bộ điệu họ như vậy, nhưng họ chẳng nghĩ gì cả đâu. Bộ óc họ lúc này đã mỏi mệt lắm rồi, không nghĩ ngay cả đến những nhu-cầu rất cấp bách của thân-thể. Nếu có ai cố gắng hỏi chuyện họ, thì họ cũng vẫn trả lời được gãy gọn về những điều mà xưa kia họ biết rõ. Song, câu chuyện tỉnh táo cũng không được bao lâu. Khi họ mệt rồi, thì họ nói lẫn lộn ngay, hoặc im lặng tìm cách lẩn tránh. Họ không muốn dùng trí tuệ, cũng như họ không muốn động đến trái tim và thân thể.

Đời sống, ở họ, hình như ngừng lại. Không phải tại phủ tạng hay thần-kinh-hệ của họ đã bị trùng độc hoặc thương tích tàn phá như ở những con bệnh khác. Dạ dày vẫn tiêu hóa được đồ ăn, máu vẫn lưu thông trong huyết quản, cơ thể họ vẫn có thể chạy đều được. Họ vẫn có thể mừng, giận, thương, buồn,... như những trái tim đa cảm. Họ lại giữ nguyên vẹn cả trí thông hiểu, trí nhớ, trí xét đoán.

Có điều là những năng-khiếu ấy (của cơ-thể, của trái tim, của khối óc) thường không được dùng đến. Đó là những bộ máy, tuy các bộ phận còn chưa bị sứt mẻ lệch-lạc, nhưng không chạy được vì thiếu động cơ, thiếu sinh lực.

Chỉ trong cơn điên, những bồ-nhìn của chúng ta mới lại nhắc nhích, mới lại chồm dậy một cách dữ dội. Những năng khiếu của họ lúc ấy bị khích thích mãnh liệt. Họ tức giận đến phải đánh phải giết; họ vui mừng đến phải nhảy múa hò hét ầm ĩ. Trong lúc cảm xúc phi thường, có khi họ tạo nên những tác phẩm mỹ-thuật rất kỳ-lạ tuy rằng thiếu sốt dở dang. Và nếu họ lại thích suy nghĩ thì những con điên có thể đưa họ đến những chân lý rất lạ lùng. Trong một khoảnh khắc, như muốn phản kháng lại với cái trạng thái im lìm của họ, sinh lực bốc vụt lên như một ngọn lửa căm hờn, vượt hẳn ra ngoài những thói quen của thân thể, những khuôn sáo của xã hội. Chỉ đáng tiếc là sự giải phóng sinh lực ấy rất ngắn ngủi, và sau đó, những con bệnh của chúng ta lại càng thêm yếu đuối, lại càng gần về cõi chết. Về sau, khi sinh lực khô cạn quá, thì những cơn điên thưa dần, rồi mất hẳn. Những con bệnh mất hết tính cách dữ tợn, thành ra lẩn thẩn suốt đời, không bao giờ khỏi và không có hy vọng trở lại cuộc đời của mọi người nữa.

Trái lại, ngay lúc đầu, khi con bệnh chưa suy yếu lắm, khi những con điên còn mãnh liệt và bùng nổ ra luôn luôn, nếu người ta biết cách cứu chữa, thì sinh lực sẽ hồi dần. Và trong ít lâu, con bệnh sẽ trở lại đời sống hàng ngày. Đó là một chứng bệnh cấp-hành khác hẳn với cái chứng kinh niên bất trị nói ở trên.


Vậy thì có những con bệnh làm bồ-nhìn suốt đời, và những con bệnh nhẹ hơn chỉ làm bồ-nhìn trong một thời kỳ bị xuống sức quá độ. Muốn hiểu rõ hai chứng ấy, ta cần phải xét đến những nguyên-nhân xa gần.

Nguyên nhân xa là những trạng-thái suy-nhược đã trình bày ở chương II, chương III và chương IV. Sau một thời kỳ đam-mê vật-dục, khi bao nhiêu sinh-lực đã đem phao phí vào những cuộc hành-lạc quá độ, những con thiếu-thân sẽ bị mỏi mệt từ thân-thể đến tâm-hồn. Đó là tình cảnh của những thanh-niên trụy-lạc, của những kẻ trong vòng 30, 40 tuổi đã thấy mình già cỗi, chán nản, và cần phải tìm một cuộc đời an nhàn để yên nghỉ nếu họ không dùng thuốc phiện để tự kích-thích. Yếu hơn nữa là những người tâm-thần bất định, những cái chong-chóng nói ở chương III. Những tình cảm vụn-vặt, những hành-vi lộn-xộn lâu dần hút cạn sinh-lực của họ và biến họ thành những miếng mồi rất ngon cho các bệnh thần-kinh. Đó là số phận của những thiếu-phụ da sầu-da cảm, của những người đàn ông nhu nhược xử sự như đàn bà. Ta đừng lầm mà cho họ là những người nhiều tình cảm; họ chỉ là những người rất nghèo sinh-lực. Trong cảnh bão táp của đời sống, họ là những cánh hoa mỏng mảnh luôn luôn rung động vì run sợ.

Sau cùng đến bọn trí giả đi tìm sách vở và lý-thuyết để trốn sự chiến-đấu. Càng chìm ngập trong những trồng sách, càng chạy theo những tư-tưởng vu-khoát chập-chờn như bóng ma chơi, sức lực họ càng sụt dần. Ta không nên lấy làm lạ tại sao có những thầy đồ cuồng chữ, có những thư sinh gàn dở, tại sao khi làm sự, tất cả những người « sống toàn bằng trí » đều tỏ ra bất lực trước cuộc đời.

Trong sự xung-xát của sinh-lực ta với những sức mạnh của hoàn cảnh, ba hạng người kể trên là những chiến-sĩ không đủ can trường và khí giới để tự vệ.

Vì thế, nên những sự thử-thách đột-ngột đáng lẽ là những cơ hội rất tốt để rèn luyện thân-thể và tâm-hồn, đối với những người yếu, lại thành ra những ngọn gió ác liệt để thổi tắt cái tàn-lực của họ. Đó là những nguyên nhân gần, dễ thấy, mà họ cố tránh: vợ ốm, con chết, sản nghiệp bị tan vỡ, tình-duyên bị lỡ dở, danh-dự bị hoen ố, chính thân mình bị đày-đọa, lầm-than, cô độc... Chúng ta không mấy ai tránh được những đoạn đường hiểm nghèo này. Vượt qua được vô sự là những người khỏe, những chiến-sĩ có thao-luyện. Những người không đề phòng chi sẽ bị thương-tổn trong ít lần; những kẻ đã sống lầm lẫn đến nỗi sinh-lực tàn tạ, (như những người yếu nói ở mấy chương trên) thì sẽ bị đẩy đến cảnh buồn thảm nhất của kiếp người: kiệt-quệ.


Ở những xã-hội văn-minh nhộn-nhịp bên Âu-Mỹ, hoàn-cảnh kích-thích và tấn-công rất mạnh vào thần-kinh-hệ. Số người điên rất nhiều. Và những nhà thương điên cũng rất nhiều. Nên người Âu Mỹ đã trông rõ những cảnh đọa lạc của con người. Họ bắt đầu nhận thấy cái giá-trị tuyệt-đối của sinh-lực, và cái tính-cách phụ-thuộc của máy móc.

Ở xứ ta, nhịp điệu của đời sống vẫn còn thong-thả chậm-chạp. Những người lầm-lỡ nhất, hư hỏng nhất cũng không lao đầu một cách mãnh-liệt xuống dốc trụy-lạc. Vì vậy nên chúng ta ít thấy những con bệnh trầm-trọng — những người bồ nhìn, hoàn-toàn. Số người điên hẳn ở xứ ta ít lắm. Nhưng nếu để ý xét kỹ, ta sẽ thấy rất nhiều người mỏi-mệt, chán-nản, lừ-đừ. Họ kéo lê cuộc đời của họ như những bộ máy hỏng động-cơ. Họ tìm những địa-vị an-nhàn, những công việc ít phải dùng sức, những thú vui nhạt nhẽo. Họ sợ hoạt-động. Đó là những sinh-lực tàn-tạ đang đợi một đòn công-kích nữa để tê-liệt hẳn.