Nhảy tới nội dung

CHƯƠNG III

Những cái chong chóng

Đây là những người mà gia-đình và xã-hội khoan dung cho hơn. So với những người đam-mê và hư hỏng, — những con thiêu thân — thì những người này được tiếng là hiền lành ngoan ngoãn.

Song, chúng ta biết rằng những lời phê bình luận lý như thế thường sai lầm và vô ích, vậy chúng ta thử đi sâu vào tâm-hồn và cuộc đời những người hiền lành ngoan ngoãn ấy, xem ra làm sao.

Đó là những đứa mảnh-khảnh xanh-sao, không hay đùa nghịch, không ham-thích một trò chơi gì. Trong khi những đứa trẻ khác chạy nhảy reo hò, thì những đứa này chỉ đứng xem ngắm, hoặc đi tha thẩn ra chiều mơ-mộng tư-lự. Sợ mệt, chúng không dám chơi đùa, nhưng chúng cũng không có cái thú gì khác để rứt bỏ mơ mộng đi được.

Vào trường học, chúng không sở-trường về món gì cả. Nhiều khi chúng rất thông-minh, học cái gì cũng rất chóng, nhưng không chuyên được lâu. Chúng lại thích học nhiều thứ, cái gì cũng muốn biết một tí, chán rồi lại tìm sang cái khác. Là những học trò bình-thường và đều đều, chúng có đủ nốt để lên lớp, đủ sức để đỗ. Ngoài ra, không có một năng khiếu gì đặc-biệt cả.

Đến tuổi 18, 20 thường là lúc khí-huyết bồng bột, tinh-thần hăng-hái, ở chúng, cũng không có gì thay đổi mạnh. Chúng chỉ thấy buồn rầu vô cân-cứ, chúng sinh ra rút-rát, sợ dám động, ưa đọc tiểu-thuyết và mơ mộng liên-miên.

Vì ít trông ra ngoài, ít hoạt động, chúng chỉ nhận được những cảm-giác rất nhẹ-nhàng. Do đó, những ý nghĩ trỗi lên lộn-xộn, quanh-quẩn, lờ-mờ. Chúng không có định-kiến rõ-rệt về một vấn-đề gì cả. Ảnh hưởng của sách-vở, của thầy giáo, của cha mẹ, của các bạn... Đua nhau ùa vào và lôi kéo chúng đi mỗi ngã tùy từng lúc. Hình như chúng thiên về tình-cảm hơn là trí-tuệ.

Nhưng tình cảm của chúng rất nông-cạn, không đủ làm cho chúng ghét hẳn một thứ gì, yêu hẳn một thứ gì. Chúng rất dễ dãi.

Đối với chúng, cuộc đời là một cảnh vườn có muôn hoa, và bông nào cũng như bông nào, đều có hương thơm sắc lạ đáng quyến-luyến cả. Là những con bướm, chúng nhởn nhơ mọi chỗ mà không muốn đậu vào đâu cả. Chúng không có một chủ-định gì.

Ở chúng, trí nghĩ, tình cảm, dục vọng tranh dành nhau lộn-xộn; tư-tưởng, lời nói, việc làm phản-trái nhau luôn luôn. Không có tư cách rõ-rệt, những hành-động của chúng không duy-nhất, cuộc đời thành ra lông-bông như chiếc thuyền không lái.

Ngay đến những việc rất quan-hệ như chọn nghề, lập gia-đình, tham-dự vào những công cuộc xã-hội… chúng cũng không tự quyết được. Chúng để mặc ảnh-hưởng nhất thời kéo đi đâu thì đi, để đến lúc khác lại chực những ảnh-hưởng khác và phản-kháng lại.

Nói tóm lại, ta có thể ví chúng như những cái chong-chóng không có sức tự-động và thường quay cuồng theo mọi thứ gió từ bốn phương trời thổi lại.

Tình cảnh ấy đưa chúng tới đâu?


Trước hết, những người tâm-thần bất-định như thế thường khổ-sở. Tôi nói khổ-sở chớ không phải đau-đớn. Người còn biết đau-đớn là người còn rất khỏe. Cảm-giác đau-đớn gay gắt biểu-lộ một sự phản-kháng, một sự thay đổi kịch-liệt ở thân-thể và tâm-hồn. Nó tỏ ra rằng sinh-lực ta còn hoạt-động, giây thần-kinh ta còn tinh-nhuệ, và trong cuộc xung-đột với mầm bệnh, với kẻ thù, chúng ta còn có cơ thắng. Những chứng bệnh kinh-niên, không đau đớn, mới thực là đáng buồn.

Cái khổ-sở của những người nói trên đây là một chứng bệnh kinh-niên. Tâm-trạng họ là một cảnh vô cùng hỗn-loạn. Không bao giờ họ có một cảm-giác, một ý nghĩ rõ rệt. Ở cảnh-ngộ nào, họ cũng băn-khoăn, bất mãn. Lúc đang làm việc, họ nghĩ đến những thú chơi; và trong khi giải-trí họ lại không rút được với phận-sự. Họ mang tình-cảm của họ reo rắc hỗn tạp vào mọi chỗ; khi cần phải thương thì họ lại giận, khi đáng mừng họ lại lo sợ, họ pha cay pha đắng vào những mối tình thật trong trẻo. Rút cục, những tình-cảm phải lạt không bao giờ rày-vò họ, nhưng cũng không bao giờ mang lại cho họ một sinh-thú mạnh-mẽ. Cái vui của họ là một cái vui dở-dang, cái buồn của họ chỉ ngấm-ngầm nhưng dai-dẳng; cõi lòng họ không bao giờ mở rộng để đón lấy một tình-cảm rạt-rào. Họ chỉ đón nhận được những thú sống nhỏ nhen, tủn mủn, và lúc nào họ cũng khao-khát một cái gì đầy-đủ. Họ khổ-sở nhất khi thấy tài-nghệ của mình thiếu-sót, không có giá-trị vì không được rèn-luyện chuyên-cần. Đó là những người « làm cái gì cũng được, mà không thành cái gì cả ».

Họ thay đổi nghề-nghiệp luôn luôn tùy theo sở thích từng lúc. Cái cố-tật tai-hại nhất của họ là không kiên-tâm được. Học nghề nào, họ cũng chỉ biết qua loa, không đi được đến chỗ tinh-vi. Họ vừa là văn-sĩ, vừa là thợ, vừa là thầy thuốc..., nhưng đó là một văn-sĩ nghèo hứng, một người thợ vụng và một thầy thuốc hay giết người.

Họ muốn là những người của xã-hội, của thời-đại, cái gì cũng đúng « mốt » đúng phong-trào. Một tí âm-nhạc, một tí khiêu vũ, một tí thể-thao, một tí hội-họa, một tí văn-chương... tất cả những cái tí ấy làm cho họ thành ra những người « lịch-sự trải mùi đời ». Cái nước sơn nhiều màu và bóng nhoáng ấy dùng để che đậy cái rỗng-không tẻ ngắt của một người không có bản-lĩnh gì. Họ không hiểu rằng trong phạm-vi nghệ-thuật, cũng như trong phạm-vi học-thuật và nghề-nghiệp, luật đào-thải rất nghiệt-ngã: thành-công và danh-giá chỉ để dành cho những người đã có thực-tài lại còn dầy công luyện-tập nữa.

Không có sự gắng công, thì không có cái tài-hoa nào có thể nảy nở được, ngay cả đến thiên-tài. Bởi vậy, ở những người thiếu một khuynh-hướng nhất-định để tập-trung sức lực, thì không thể có sự-nghiệp, có công-trình gì được. Cả cuộc đời của họ chỉ là một trò múa rối khổ-sở và vô-hiệu. Những cử-chỉ lộn-xộn của họ không đưa đến một kết quả gì. Đó không phải là hoạt-động.

Hoạt-động là chú ý, là làm việc một cách lặng-lẽ và vui-vẻ, là âm-thầm cưỡng lại với tính lười-biếng của thân-thể, và tâm-hồn hoạt động là chuyển-vận sinh-lực để biến cải hoàn-cảnh bên trong và bên ngoài.

Tiêu-phi sức lực vào những tình-cảm viển-vông, luẩn-quẩn và hư-sinh, đó là số phận đáng buồn của những tâm-thần bất-định.

Căn-nguyên của chứng bệnh này rất phức-tạp. Nhiều khi phải kể đến ảnh-hưởng di-truyền. Người ta nghiệm rằng sau một thời-kỳ hoạt-động quá độ, sinh-lực đã mỏi-mệt, thì sự sinh dục rất bất-lợi. Con cái, không bẩm-thụ được cái sức cường tráng của cha mẹ mà chỉ hứng lấy cái suy-nhuợc. Ví dụ như thế-hệ thanh niên lãng-mạn ở đầu thế-kỷ thứ 19 bên Pháp, người ta thường cho là kết-quả của những chiến-trận khốc liệt trong thời-kỳ Cách-mệnh Pháp 1789 và trong đời vua Nã-phá-luân. Những nhà doanh-nghiệp khi trở về già thường cho ra đời những đứa con mỏi-mệt, chán ghét hoạt-động và chỉ thích tìm những thú mơ-mộng. Và tất cả những đứa trẻ thụ-thai trong khi bố hay mẹ bị bệnh-tật, bị suy-yếu, đều có sẵn những đặc-tính để làm một người lông bông vô-định sau này.

Tuy vậy, cũng có nhiều trường-hợp không thể kết tội di-truyền được. Ta lại phải trông đến giáo-dục gia-đình và hoàn-cảnh xã-hội.

Có nhiều nhà không xem xét đến những năng-khiếu của con trẻ. Người ta không biết đến những tài-hoa đặc-biệt nhưng tiềm-tàng của nó. Người ta bắt ép nó làm những việc mà nó không thích, chọn một nghề không hợp với nó, đi một con đường sai hẳn với thiên-bẩm. Rồi thói quen và dư-luận xã-hội đè nén làm cho tài-năng nó thui trột hẳn đi.

Lại có khi hoàn-cảnh xã-hội không đủ điều-kiện phát-triển cho mọi thứ tài-năng, thành ra có những người suốt đời tê-liệt, muốn hoạt-động mà không sao được.

Tuy vậy, chỉ kết tội sự di-truyền, giáo-dục gia-đình và hoàn-cảnh xã-hội, tức là lột hết trách-nhiệm của con người, cho rằng chúng ta chỉ là những kết-quả dĩ-nhiên của mấy thứ ảnh-hưởng hỗn-độn, và quên hẳn cái vai trò quan-hệ là sinh-lực. Thực ra, giá-trị và tư-cách của mỗi người chúng ta đều do ở chỗ sinh-lực được giải-phóng hay bị bế-tắc. Những người luẩn-quẩn nói trên đây cũng phải gánh một phần trách-nhiệm lớn về cái tình-cảnh khốn-khổ của họ. Chính cái bản-ngã cồng-kềnh của họ ngăn-cản sức sống của họ. Là những người rất tự-ái, họ trù-trừ, tính toán muốn biết, muốn hưởng tất cả những cái gì có ở đời. Họ tham-lam lắm, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến vơ-vét vào mình thật nhiều điều-kiện thuận-tiện và khoái-lạc. Không bao giờ họ dám liều sống cho một cái gì ở ngoài vòng bản-ngã: họ không hy-sinh cho ai cả, cũng không hy-sinh cả cho ngay những sở-thích của mình nữa. Những thái-độ cực-đoan làm cho họ sợ, họ dè-dặt ngồi đợi những cái « nhất cử lưỡng tiện ». Họ muốn dung-hòa những thứ rất phản-trái nhau. Họ không muốn mất một cái gì cả. Bất cứ ở chỗ nào, cái lòng tự-ái, cái bản-ngã của họ cũng thò đầu ra để ngăn-cách họ với cuộc đời. Lúc nào ở cái « tôi » cũng mọc ra rất nhiều cánh tay để chỉ cho họ rất nhiều đường đi: Họ do sướng khổ, họ tinh lợi-hại; rồi họ chạy lăng-quăng từ chỗ này sang chỗ kia, không đi hẳn về một phía nào cả. Kết quả: sinh-lực tàn-mác, tâm-hồn rối loạn, cuộc đời vô dụng.


Đứng về phương diện sức khỏe thì những người tâm-thần bất-định lại yếu hơn những người đam-mê hư-hỏng ở chương trên. Những người sau này còn có khi làm ra việc, còn có thể, trong một lúc giác-ngộ, chuyển sinh-lực từ những mục-đích rất thiển-cận và tai hại (người đàn bà, rượu chè, cờ bạc...) sang những mục-đích đẹp đẽ hơn. Họ là những người còn nhiều sức lực, nhưng đem dùng sai chỗ.

Trái lại, những người tưởng chừng như đáng khen hơn, những người a-dua chạy theo những mục-đích thật là cao rộng nhưng không có gan đi tới một đích nào cả, những người ấy lại đáng buồn cười hơn. Họ cứ quay cuồng ở trong cái vòng luẩn-quẩn của họ nếu không có một mãnh-lực gì ở ngoài kéo họ ra. Điều nguy-hiểm nhất, là họ tự lừa dối mình, mang che đậy cái bất lực của mình bằng những hành-vi lộn-xộn. Những thứ này càng ngày càng rút mòn sức lực của họ, và đưa họ tới chỗ kiệt-quệ.