Nhảy tới nội dung

CHƯƠNG V

Những con đường cụt

Trong phần thứ hai này, chúng ta đã đem phê-bình những phương-pháp mà những người yếu thường dùng để vượt ra khỏi cái vòng khổ-sở của họ. Chúng ta đã thấy rằng những phương-pháp ấy không giải-cứu cho họ được, và lại còn làm cho họ yếu đuối thêm, khổ sở thêm.

Xét kỹ ra, không phải là tại những người yếu đuối không thực lòng muốn giải-thoát. Tình-trạng của họ thật là muôn phần thê-thảm: với một sinh-lực tù-hãm, quanh-quẩn, họ không thể nào vui sống được. Họ cũng không thể nào tự khuây-khoả được bằng những trò giải-trí tầm-thường. Và cũng không ai có thể vì họ mà khơi nguồn lạc thú được. Bị đày-đọa trong cảnh hiu-quạnh, cô-độc, họ vừa buồn rầu vừa sợ-hãi. Họ hồi-hộp ngồi đợi một dịp thoát thân. Hễ hơi thấy một tia hy-vọng ở phía nào, là họ đâm bổ đến, và lao đầu vào như những con bệnh rút rát đi chạy trốn thần chết.

Khổ thay! Lại chính vì lòng nhiệt-thành ấy (lòng nhiệt-thành quí hóa của những người bám vào sự sống), mà họ bị quáng mắt, bị mê hoặc. Thủ-phạm trong những vụ hại người này, chính là ba cái phương-pháp trên kia, mà chúng ta đã gọi là ba phép tu-thân (!).

Phép thứ nhất (rèn luyện ý chí) khuyên người ta xây đắp một bãn-ngã trí-thức, để cái này trừng-trị xác-thịt nó đã tỏ ra là không ngoan-ngoãn.

Phép thứ hai (lập chí hướng) xui người ta hy-sinh tất cả phần hồn và phần xác, để đi đến một sự đắc thắng mà người đời khen ngợi!

Phép thứ ba (bồi bổ thân thể) dạy người ta đổ thật nhiều chất bổ cho cơ-thể để biến nó thành một cỗ máy thật nhiều mã lực!

Cả ba phép tu-thân ấy đều xây xung quanh quan-niệm vị-kỷ. Cả ba đều phục-sự bản-ngã. Cả ba đều bắt nguồn ở lòng khao-khát mù quáng! Không cái nào thông-minh cả. Mỗi lý-thuyết (căn bản của những phép tu-thân ấy) chỉ chú-trọng đến một phần người, và nhãng bỏ hay đè nén các phần khác. Người ta tước con người ra làm nhiều mảnh, rồi người ta lập luận một cách thiên-lệch, cho con người chỉ là trí tuệ, hay chỉ là tình cảm, hay chỉ là xác-thịt. Sự phân chia giả dối ấy, tất nhiên là che lấp mắt người ta, không cho nhận thấy cái nguyên-tố làm cho con người chỉ là một, cho cuộc đời được duy nhất: Sinh-lực. Sinh-lực mới là nguồn gốc của mọi trang-thái, của mọi tác-động. Không nắm lấy sinh-lực, thì không thể nào thay đổi được tính cách một người, không thể nào thay đổi được cuộc đời một người.

Muốn cho công bằng trong khi công kích những phương-pháp kể trên, ta cũng chịu rằng ở trong chi-tiết, cũng có mấy điều đúng. Ta chịu rằng tư tưởng có thể lung-lạc được tình cảm, ta chịu rằng tình cảm có thể sai-khiến được thân-thể; ta cũng chịu rằng sự thay đổi trong cơ-thể có thể di-chuyển được tình-cảm và tư-tưởng. Song, không phải ai cũng làm được như thế. Những sự phối-hợp ấy chỉ xảy ra ở những người đã có một sinh-lực rồi-rào. Người ta không thể nào luyện cho tư-tưởng người ta mạnh được khi người ta còn là một người yếu. Và một kẻ tình-cảm bạc nhược không thể bỗng chốc muốn cho mình có một tinh-thần hăng-hái được. Những kẻ không biết tự-lượng và quá tin ở những phương-pháp tu-thân ảo-thuật kia, chỉ bày ra những trò cười đáng thương mà thôi. Trong bọn thanh-niên chúng ta, ai đã dùng những phương pháp kể trên tất cũng đã thấy rõ những kết quả buồn-rầu của chúng rồi vậy. Đó là những con đường cụt đã làm cho chúng ta thất vọng.

Tiện đây, chúng ta không thể không nhắc đến một cuốn sách rất thông dụng quen biết với thanh-niên trí thức, cuốn L'éducation de la volonté (Huấn luyện ý-chí) của nhà mô phạm nổi tiếng Jules Payot. Là môn-đệ của Th. Ribot, Jules Payot rất phản đối cái thuyết "Lý-trí làm chủ con người" của các nhà mô-phạm cổ. Ông lại là một nhà học-giả tiêm-nhiễm rất sâu cái văn-hóa Hy-lạp thượng-cổ, và ông dành một địa vị quan-hệ cho sức khỏe của thân-thể. "Mọi sự ở đời đều là những con số không, nếu không có sức khỏe đứng đầu thì không có giá trị gì cả." (trích trong cuốn Education de la volonté).

Lý-tưởng của ông là một người hoàn-toàn theo kiểu Hi-lạp: trí-thức, tình cảm, thân-thể điều hòa cân đối với nhau. Vì vậy, nên phương-pháp huấn-luyện ý-chí của ông dựa vào nhiều điều kiện tâm-lý, luân-lý và vệ-sinh có vẻ vững chãi lắm. Mục đích của ông là “tìm những phương-tiện cho một thanh-niên trí-thức thiếu hăng hái nhưng muốn làm việc và muốn làm cho cái ý muốn làm việc ấy chuyển ra thành một điều nghị-quyết lâu bền và nóng-nàn, rồi thành một thói quen vững bền”.

Những phương-tiện ấy, theo ý ông, chia làm hai loại:

1.) Những phương tiện bên ngoài tức là những kỷ-luật của xã-hội (như những nước độc tài) hoặc những kỷ-luật trại lính (ở những nước dân chủ thái bình).

2.) Những phương-tiện cá-nhân gồm có ba cách: a) Sự suy tưởng trong yên lặng sẽ cấu tạo nên những ý-lực (idée-force). b) Sự hành-động hằng ngày để cưỡng lại những thói lười biếng. c) Sự vệ sinh thân-thể để giữ cho người được trong-sạch, nhẹ-nhàng, dễ làm việc.

Dù người ta được xã-hội huấn-luyện cho hay người ta tự huấn-luyện lấy, thì cũng phải mất rất nhiều công-phu mới đến được chỗ làm như ý muốn.

Lý-thuyết của Jules Payot, đối với những phép tu-thân mà chúng ta đã phê-bình, có vẻ cấp-tiến và đầy đủ hơn nhiều. Song Jules Payot là một nhà sư-phạm bó-thiết quá về cái lý-tưởng của người trí-thức. Ông muốn hun-đúc thanh-niên theo một kiểu-mẫu trí-thức mà ông cho là độc-nhất. Ông quên rằng những "thanh niên thiếu hăng-hái" mà ông muốn huấn-luyện đó, với những lẽ sinh-lý và xã-hội rất phiền-phức, không thể sống theo cái lý-tưởng của ông được và tất-nhiên là sẽ không thể theo những phương-pháp của ông bày ra được. Thành thử, cái công-trình trước tác rất có giá-trị của ông chỉ có kết quả hay cho một số thanh niên có đủ những điều-kiện để theo ông mà thôi. Đối với những người khác, nó lại có vẻ cầu-kỳ và miễn cưỡng.

Ở đây, chúng ta không phân biệt người trí-thức với người lao-động. Chúng ta đi tìm cuộc đời hoạt-động cho những người nào muốn hoạt-động. Chúng ta đi tìm cuộc đời cho những người yếu đuối. Chúng ta đi tìm không-khí cho những người khó thở. Chúng ta muốn vượt ra khỏi những phương-pháp tây riêng và eo hẹp. Chúng ta muốn tìm những con đường rộng rãi, sáng sủa, giản dị thích hợp với nguyện vọng và sức-lực của những người muốn sống.

Chúng ta lại muốn cho những bạn đường yêu quí ấy tiến lên, đi hoài, đi mãi cho đến khi tìm thấy ý nghĩa của sự sống, cho đến khi phát triển hết những năng-lực tiềm-tàng của con người, cho đến khi khám phá ra cái lạc thú vô tận của sự sống.

Đó là một công việc rất khó-khăn mà tôi chỉ mong làm được một phần trong muôn một, ở phần thứ ba sau đây.