Nhảy tới nội dung

CHƯƠNG II

Luyện ý chí

Phép tu thân này, những người đam-mê vật-dục thường dùng đến để kiềm-chế xác thịt họ. Họ đã bị những dục vọng mù quáng xô đẩy họ đi tìm khoái cảm trong sự ăn-uống vô-độ, trong sự dâm-dục bậy-bạ, trong sự cờ bạc, rượu chè, thuốc sái, trong sự lười biếng lêu-lổng. Trên những con đường trơn và dốc ấy, họ đã chạm chán với bệnh tật, với nhục-nhã, với nghèo-nàn, với thất-bại, với sợ-hãi, với rối-loạn, với chán-nản... Thấy rõ cái vực-thẳm nó chờ họ ở đầu đường, họ chùn chân lại và tìm chỗ bấu víu.

Nhưng, thân-thể họ đã mỏi mệt rồi, tình-cảm họ đã rã-rời rồi, họ bèn cầu cứu đến trí tuệ của họ. Họ sẵn lòng nghe theo những lý-thuyết êm ái của mấy nhà mô phạm đạo-đức chuyên-môn tôn thờ lý trí.

Những lý-thuyết này hồi xưa rất bành-trướng. Khi tôn-giáo còn thịnh hành, người ta thường hay phân biệt linh hồn với xác thịt. Người ta cho xác-thịt là thô-bỉ, bần-tiện, tội-lỗi. Trái lại, những tinh hoa của con người kết tụ cả ở linh-hồn. Và ở trong phần hồn thì trí tuệ làm chủ để ra mệnh lệnh cho tình-cảm vâng theo. Người ta hay dùng cái ấn-tượng: cỗ xe có ngựa kéo và có xà-ích cầm cương ngựa, để hình dung sự liên-lạc của mấy phần người. Cỗ xe là thân thể, con ngựa là những dục-vọng, những tình-cảm, xà-ích là trí tuệ. Chức trách của trí tuệ là dẫn đường. Vì vậy nên nó sáng suốt, điềm đạm, nghiêm-khắc. Khi nào nó không bị dục vọng hay tình-cảm làm mờ ám, thì nó xếp đặt cuộc đời của chúng ta rất gọn gàng, rất đẹp đẽ. Tính cách đặc biệt của nó là biết quan-sát, suy xét, lựa chọn, quyết đoán. Nó xử sự bao giờ cũng khôn ngoan, cũng trúng cách, nên người ta thường gọi nó là Lý trí, là lẽ phải, là Lương-tri... Không những người ta dùng trí tuệ để khảo-sát hoàn-cảnh bên ngoài, để thâu góp kiến-thức, để biết. Óc không phải chỉ là một cơ quan tri thức. Nó lại còn chứa chấp những năng lực hoạt động tiềm tàng nữa. Ở trong cái đám quân ô hợp là những dục vọng phản trái nhau, trí tuệ là một chủ soái vừa thông minh lại vừa khỏe mạnh, đã có oai lại có quyền nữa.

Chúng ta thường có hai mối băn khoăn:

  1. Làm mà không nghĩ, không sáng.
  2. Nghĩ, biết mà không làm được.

Phép tu thân của các nhà mô phạm dạy rằng: Nếu ta chịu khó rèn luyện Lý trí trong ít lâu, thì nó sẽ đủ quyền lực để ngăn cản cho ta những dục vọng mù quáng. Nó lại có thể giúp cho ta thực hiện được những ý nghĩ dù những cái này có phần trái với những sở dục của ta. Ta sẽ thành ra một người tự do vượt hẳn ra ngoài sự thúc phọc của dục vọng, và chống lại được những ảnh hưởng của hoàn cảnh. Ta cai quản được thân thể và tình cảm của ta. Ta đàn áp được chúng cho đến khi nào chúng hoàn toàn phục tòng. Lý trí của ta thành một vị đế vương độc đoán nắm toàn quyền trong tay. Đặc tính ấy của Lý trí, người ta thường gọi Ý chí.

"Ý chí là cái tác dụng trong tâm lý, để suy xét, chọn lọc và quyết đoán."

(Hán Việt từ điển Đào-duy-Anh)

Vậy muốn sửa đổi những tội lỗi, muốn tránh đau khổ, muốn tìm hạnh phúc, thì — theo ý các nhà mô-phạm đạo-đức — chỉ có một con đường, là: Rèn luyện Ý chí.

Tất cả những kẻ đam mê vật-dục, trong lúc hối hận, đều nhảy sô lên con đường ấy. Vậy phép luyện ý chí đã đưa họ đi đến đâu?

Họ bắt đầu nhận những tội lỗi của họ. Họ dùng trí thông minh để tách bạch rõ những trạng thái đau khổ và cuộc đời lộn xộn của họ. Sau mỗi lần sa ngã, họ lại tê-tái ngồi nhấm gậm lại những cảm giác chua xót của những kẻ lầm lỡ. Họ hối. Họ tiếc. Họ ghê tởm con người của họ.

Thấy cần phải rời bỏ nó, họ dùng chí tưởng-tượng để vẽ ra một con người khác rất đẹp đẽ, để xây đắp một cuộc đời rất rực rỡ. Càng ngã sâu xuống bao nhiêu, họ lại càng ngoi lên cao bấy nhiêu. Đã bẩn-thỉu nhiều rồi, họ thêu dệt cho họ một bản ngã mới thật trong sạch. Đã khốn khổ vì ăn uống bậy bạ, họ thấy mình nay tiết độ như một nhà "tu hành", đi trốn sự rầy vò của đâm dục, họ khoác áo một đạo-sĩ thanh cao thự-thái; và những kẻ rụt rát, sợ sệt lại hay làm ra bộ mạnh bạo, gan góc như những tên quân cảm tử...

Nhưng họ cũng không ôm-ấp những viễn ảnh ấy được lâu; sự mơ mộng làm cho họ mỏi mệt ngay. Và họ cần phải tự khích thích bằng những cái trừu-tượng hơn, giản tiện hơn. Họ đi tìm khuyến-khích ở các bạn bè thân-thuộc, ở trong sách vở. Luôn luôn phải có một không khí tinh-thần nhân-tạo bao bọc lấy họ, che chở cho họ. Họ thấy họ sắp đổ rồi, sắp ngã rồi, vì không ai có thể nâng đỡ cho họ như thế mãi được.

Cùng quá, họ dùng đến những châm-ngôn đanh thép, thật mạnh-mẽ để tự-kỷ ám-thị. Họ cau mày, đập mạnh tay xuống bàn, hét lên: Ta muốn thế này, ta muốn thế kia... Nhưng chân họ đã run rồi, trí họ đã lạc rồi, tội lỗi họ lại ngã vào tội lỗi!!!

Chúng ta hãy thử trông chung quanh, ta xem mỗi ngày có bao nhiêu tấn kịch, sa ngã thảm thương như thế. Có biết bao nhiêu người đánh bạc cả đời, mê gái cả đời, uống rượu cả đời... tuy rằng lúc nào họ cũng chiêm bái những tư-tưởng cao, lúc nào họ cũng nói ra những lời cương-quyết. Những bà mẹ hiền-từ, những người cha nghiêm khắc, những bậc sư-phụ đạo-đức, đã tốn bao nhiều công-phu để khuyên-răn, đe-nẹt, rèn-luyện lý-trí cho những đứa con tội lỗi, mà rút cục những lời giáo-huấn chỉ trôi đi như nước chảy qua cầu, có kết quả gì đâu?

Giữa buổi giao thời này, trong bọn thanh-niên tri-thức chúng ta, biết bao nhiêu người hằng ngày ôm ở trong lòng những nguyện vọng tha-thiết về đời sống, mà rút cục không đem thực hành được. Chúng ta thấy rằng ta phải rứt bỏ cuộc đời an nhàn, chịu đựng, thụ-động, lười biếng, ta phải khuấy động cái sinh lực tự hãm của ta, ta phải sống một cách mạnh-bạo, quả-quyết gan góc, ta phải phấn-đấu luôn luôn, hoạt động luôn luôn, ta phải văng mình vào giữa thế giới rộn rịp, giữa vũ-trụ linh-động, ta phải đi tìm một đời sống sáng-sủa hơn, đầy đủ hơn, phóng khoáng hơn... Chúng ta đã, nghiền ngẫm bao nhiêu lần những tư-tưởng mà ta dùng làm ánh lửa dẫn đường cho ta, chúng ta đã tiêu phí bao nhiêu giấy mực để phát biểu những nỗi hằn học chua sót của ta. Từ những bậc đàn anh của chúng ta — nay đã gần bạc hết mái đầu — cho đến chúng ta, đã bao nhiêu lần cùng nhau diễn đi diễn lại mãi những ý nghĩ tha thiết về đời sống, nhắc đi nhắc lại mãi những châm ngôn thấm thía!

Đã bao nhiêu đêm chúng ta không ngủ để đợi một buổi sáng huy-hoàng rực-rỡ, đã bao nhiêu bữa cơm chúng ta không ăn để chờ đón một khoảnh khắc long trọng; đã bao nhiêu lần chúng ta cố tình rứt bỏ những kỷ-niệm thân yêu; trên con đường lý tưởng, đã bao nhiêu lần chúng ta băn khoăn, toan tính, hy vọng, đau khổ... Cõi lòng của ta như một đại dương không lúc nào yên sóng gió, trí tuệ của ta như một ngọn lửa ngùn ngụt cháy đêm ngày. Chúng ta hăng hái, đăm chiêu chạy đi tìm những chân lý trong khoa học, trong văn chương, trong mỹ thuật để tự giải thoát; chúng ta tắm mình trong không khí một bể học vô cùng phong phú. Bơ vơ, lạc lõng, chúng ta vẫn cố công đeo đuổi, ngã rồi lại dậy, nản rồi lại tin, chúng ta vẫn hăm hở bước trên con đường muôn dặm... mà kết cục, sa ngã, vẫn hoàn sa ngã, buồn tẻ, vẫn hoàn buồn tẻ.

Trong công cuộc rèn luyện ý chí để thiết lập một đời hoạt động tưng bừng mới mẻ, chúng ta đã hoàn toàn thất bại. Phương pháp ấy chỉ làm cho chúng ta đau khổ thêm, rối loạn thêm, hèn yếu thêm.

Nguyên do là tại người ta đã xây dựng nó trên một quan niệm rất sai lầm về con người và về cuộc đời. Người ta tách hẳn lý trí ra khỏi thân thể. Có thể nào thế được đâu! Sự kích-thích của hoàn-cảnh bên ngoài, sự sinh hoạt trong cơ thể hằng ngày để rớt lại thần kinh hệ của ta bao nhiêu cảm giác; chúng kết tinh cả lại thành những hình ảnh. Những cái này liên lạc với nhau tạo thành những tư tưởng; và những thứ này lại cọ xát với nhau, linh động luôn luôn, ta mới cảm thấy là ta có trí tuệ, có lý-trí. Những tác động của lý trí lại thay đổi nhịp điệu luôn luôn cùng với những dục vọng rất bí ẩn, những tình cảm rất phiền phức. Trí tuệ chỉ là một phần người, sáng nhất nhưng mà nhỏ nhất, yếu nhất. Sinh lực của con người phát xuất ra nhiều nhất, mạnh nhất theo cái đà của bản năng, của dục vọng. Trí tuệ chỉ là ánh đèn, dục vọng mới là lò lửa. Trí tuệ chỉ có thể ví như hoa, như lá, dục vọng mới là gốc cây.

Các nhà tâm lý học đời nay (vừa là những nhà sinh lý học rất xuất sắc) đều đồng lòng phá đổ cái quan niệm lý trí của các nhà mô phạm nệ cổ. Bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 19 Théodule Ribot đã giật đổ xụp cái ngai vàng của trí thuật. Trong cảnh tung bừng của đời sống, lý trí chỉ còn là một vai trò gầy đét, nhăn nhó và yên lặng. Bao nhiêu tinh hoa, bao nhiêu lạc thú, bao nhiêu kho tàng của con người bắt nguồn ở chốn sâu thẳm của những tế bào. Dục vọng phản chiếu năng lực của các tế bào, tình cảm chỉ là một khối dục vọng, và tư tưởng phải lệ thuộc vào cái phẩm và cái lượng của các giác quan và của toàn bộ cơ thể. Ngày nay, người ta đã khôi phục lại cái địa vị quan trọng của cơ thể nó đã bị ruồng bỏ hành hạ trong bao nhiêu lâu. Những hình ảnh lờ mờ (giao động trong lúc mơ mộng) những ý nghĩ lớn vởn không bắt rễ vào giây thần kinh và bắp thịt... đều bị gạt ra ngoài cuộc sống. Người ta không phân tách sự cảm, sự nghĩ, sự làm nữa, cũng như người ta không chia rẽ trái tim, khối óc, và thân thể nữa. Ba phần ấy gồm thành một khối linh động ở giữa hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh thiên nhiên. Hoàn cảnh ảnh hưởng vào con người rất mạnh: «Hoàn cảnh cai trị ta. Có những hiện tượng kỳ lạ xảy ra ở con người ta, mà nguồn gốc phải tìm ở hoàn cảnh xung quanh mông mênh và bí mật» (Dr. Osty)

Trong một cuốn sách để phát biểu ý kiến chung, nhan đề là Les miracles de la volonté, hầu hết, tất cả các tác giả có mặt tại đó như giáo sư Ch. Richet, Dr. Thooris Van Borre, Dr. Vinchon, Masson Oursel, Panait Istrati... đều không công nhận cái định nghĩa cũ của chữ volonté (1) mà ta thường dịch là ý chí.

Theo các tác giả ấy thì ý chí là một ảo-tưởng của các nhà hiền triết quá thiên về luân lý. Sự suy nghĩ theo kiểu các tín đồ của ý chí chỉ có hại. Nó làm cạn cái đà sinh-lực. Nó làm vơi cái mực sống. Thống chế Foch cho rằng "nghị lực không phải là một của thửa được" tức là có ý chế riễu những phương-pháp phiền-phức và vô hiệu của phái tri thức bất lực.

(1) Trong tiếng pháp hiện giờ, chữ volonté có 3 nghĩa: a) volonté: ý chí theo nghĩa giải thích ở đây. b) volonté: lòng ham muốn theo nghĩa giải thích ở chương sau. c) volonté: sinh lực theo các nhà sinh-lý-học đời nay. Jules de Gaultiers: "la volonté est une sorte de Potentiel vital. C’est la vie. L’exercice de la volonté consiste à éliminer les états de conscience qui de interceptent l’énergie nerveuse."

Dr. Thooris Van Borre: "La vie d'abord. La raison n'est venue qu'après comp. Le sus-effort mental est l'ennemi de la vie par les effets nocifs de la fréquence vibratoire sur le tonus musculaire strié et lisse."

Dr. Vinchon: "Il y a une énergie même pour les indolents."

Charles Blondel còn tàn nhẫn hơn nữa khi ông lên án cái "vạ ý chí": "Chỉ ban bố những chương trình bằng quơ, chỉ dụ thảo những sắc lệnh mà không bao giờ đem thi hành, chỉ có muốn mà không có làm... thái độ ươn hèn ấy, sớm hay chầy sẽ làm cho ta khốn-nạn khổ-sở về vật-chất hoặc về tinh-thần, nó lại còn đưa ta đến chỗ chết nữa."

Jules de Gaultier lại phản đối cái thuyết ý chí một cách ráo riết nữa: "Muốn cho cuộc đời thực kỳ thú, thì tự lúc sinh ra đến lúc chết, phải có một lòng đam mê vô tận, hoàn toàn vô ý thức lúc nào cũng khuynh hướng về hành động."

Ngày nay thuyết ý chí không những không được sùng thượng, mà lại còn bị coi khinh nữa. Ai ai cũng đã trông thấy những tai hại nó gây nên rồi. Nó đẻ ra một bọn trí thức lố bịch, nghĩ một đàng làm một nẻo, suốt đời ngơ ngác như những kẻ mất hồn. Họ lại dễ sinh ra phản trắc nữa, bởi vì ở họ, trí tuệ bay lởn vởn ở trên, không ăn nhập gì vào đời sống cả. Đã ngoài hai mươi năm nay, khi nói đến bọn trí thức quanh-quẩn ấy, nhà văn-sĩ Romain Rolland đã thốt ra những lời gay gắt:

Muốn mà không dám làm, đã làm lại không dám liều, trên đường lý tưởng dừng bước nửa chừng để đến nỗi lạc lõng và thụt lùi, đó là cái tật khả ố nhất. Người ta thường sợ lầm lỡ, biết đâu sự giở-dang mâu-thuẫn còn làm cho ta khốn-nạn gấp trăm nghìn lần. Khi tôi định sống cho một tư-tưởng nào, thì lòng tôi không khỏi bồi hồi, vì tôi không biết rằng tôi sẽ phải theo đuổi nó đến tận đâu. Nhưng khi lòng tôi đã quyết rồi thì tôi không sợ gì nữa, tôi sẽ khinh bỉ tôi nếu tôi hèn nhát không theo kịp cái trí của tôi. Bỏ nó đi trước một mình, tức là giết chết nó vậy.

Trong đạo nho của Á-đông, một nhân vật hoàn toàn — người quân tử — ngoài cái trí để hiểu biết sự vật, lại phải có cái dũng để áp dụng chính kiến. Người trí giả chỉ thuộc sách và nói văn hoa ở đầu lưỡi, không có năng lực hoạt động gì, là một kẻ tiểu nhân. Goethe cho rằng: "Nghĩ dễ, làm khó, làm theo ý nghĩ khó tuyệt". Nếu cái thuyết "tri thành hợp nhất" (biết và làm chỉ là một) của Vương Dương Minh đã được ứng dụng, thì có lẽ số phận của đạo Nho không đến nỗi lại đồi bại như ta đã thấy. Ở bên Âu châu trước hồi chiến tranh cũng đã thấy nói đến cái họa trí thức. Chỉ thương hại thay cho bọn lạc hậu chúng ta vẫn lao đầu vào những cạm bẫy tai hại.

Hơn một thế kỷ nay, sĩ-phu Việt-nam hầu hết, đã bị nhào-nặn trong một khuôn khổ giáo-dục ác liệt. Chính cái tật trí thức ấy nó đã làm tê-liệt sinh-lực của ông cha ta. Chúng ta ngày nay, không những phải tránh cái họa ấy, lại còn phải lo phá tan những ảnh hưởng di truyền còn lưu liên mãi đến tận bây giờ. Trên con đường giải phóng của chúng ta đó là một trở lực phải đạp đi trước nhất.