CHƯƠNG I
Ba phép tu thân
Ở phần thứ nhất, chúng ta đã điểm qua những người không làm nên việc, mà chúng ta gọi là những người yếu.
Đi sâu nữa vào cuộc đời của họ, chúng ta lại thấy rằng những người bất lực ấy thường hay lo sợ, buồn rầu, quanh-quẩn, rối-loạn, lầm-lẫn... Họ phạm đủ các tội ác, họ làm tất cả mọi việc xấu-xa. Sống một cách sai lạc, họ tự đầy-đọa thân-thể, tự dìm-đắm tâm-hồn; họ tàn-phá con người của họ. Trên sân khấu của đời sống, họ là những vai trò cầu-thả, thiếu lương-tâm và thiếu tài-nghề. Họ không nghĩ đến cái điều quan-hệ nhất, cái phận-sự của họ: sống cho ra người. Không thể vượt được ra ngoài bản-thân, họ chỉ biết phụng-sự nó. Chính nó lại hút cạn sinh-lực của họ, làm cho họ đâm ra khao-khát, lo sợ. Nhưng càng đuổi theo những thứ vui thỏa mãn cho bản-thân — mà họ cho là hạnh-phúc — họ càng tự đầy-đọa, tự bôi nhọ, họ càng đi sâu xuống cái vực khổ-sở.
Những kẻ đam mê vật-dục, những kẻ tâm-thần bất-định, những kẻ tri-thức giả hiệu thường hay nguy-biến để tự bênh-vực, tự an-ủi. Đó chỉ là những lời nói ở đầu lưỡi, những thái-độ che đậy. Chúng ta hãy ngờ vực tất cả những kẻ làm không nên việc và những kẻ chán-nản cuộc đời. Ở trong thâm-tâm họ, hơn ai hết, họ cảm thấy, một cách chua-xót nhất, cuộc đời của họ là vô-vị. Ta đừng tưởng họ tự đắc tự mãn trước đau. Họ là những tù-nhân bị trói-buộc trong những xiềng-xích lồng cồng, đang cố rãy rụa để thoát-thân. Họ là những kẻ sắp chết đuối đang đợi một cái phao; họ là những chiếc tàu vô định đang tìm một ánh đèn pha chỉ lối; họ là những bệnh-nhân, hấp-hối chỉ còn mong vào bàn tay cứu-độ của thầy thuốc; họ là những đứa trẻ dại-dột và đau khổ chỉ chờ lăn vào lòng một người mẹ hiền để đc được vỗ-về an-ủi...
Họ quay cuồng ở trong bóng tối dày đặc đang giam hãm họ. Họ cất tiếng, kêu gào thảm-thiết để cầu cứu khắp xa gần. Họ không còn tin ở sức lực của họ nữa. Họ sợ hãi và ngơ ngác tìm tòi. Họ săn lùng túm lấy vạt áo của những vị cứu-tinh và nhắm mắt bước theo. Họ ghê, sợ cái địa-ngục của họ lắm rồi, và họ bước đi, không cần biết là họ đi con đường nào nữa.
Chỉ trừ những người quá đuối sức, hoàn toàn, thụ động (những người bồ-nhìn), còn ba loại người kia hàng ngày vẫn rãy-rụa để đi ra khỏi cái vòng đau khổ của họ.
Ở phần thứ hai này, chúng ta sẽ được thấy một tấn-kịch thoát-ly rất thảm-thương. Những người bạn đau khổ của chúng ta lao đầu đi tìm những phương-pháp để tự giải-cứu cho mình. Mà rút cục, họ chỉ bị sứt đầu chảy máu, đã không tìm thấy lối ra, lại còn yếu đuối thêm, khốn khổ thêm!
Đã từ lâu, chúng ta thở hít trong một không khí sắc mùi luân-lý; chúng ta bị bao vây trong những mạng lưới luân-lý rất khe-khắt. Những bậc cha mẹ, những nhà mô-phạm, những người đàn anh; những phép giáo-dục của gia-đình và xã-hội, những di-truyền của ông cha, những kho sách-vở...tất cả đều hùa vào để xây cho chúng ta bốn bức tường luân-lý rất dày đặc, rất đồ-sộ.
Bị giam trong ấy, chúng ta không còn trông thấy gì nữa, ngoài những bảng giả-tri luân-lý độc-đoán và tàn-nhẫn.
Bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu lầm-lỡ, bao nhiêu tội-lỗi, chúng ta mang trút cả lên đầu « con người » của chúng ta. Chúng ta chia con người của chúng ta ra làm nhiều mảnh! Rồi chúng ta vu vạ cho xác-thịt, cho trái tim, cho khối óc. Chúng ta thấy chúng khuyết-điểm, chúng ta muốn hoàn toàn, chúng ta thấy chúng ta cần phải tu-luyện.
Không bao giờ chúng ta thấy chúng ta yếu. Không bao giờ chúng ta được kể đến những nỗi đau khổ do ray-rứt chúng ta. Không bao giờ chúng ta được đòi quyền sống cho con người của chúng ta. Luôn luôn, chúng ta phải lo đến chuyện phải, trái. Luôn luôn chúng ta nghĩ đến tất xấu, nết hay. Luôn luôn chúng ta lo sợ chúng ta hư, chúng ta hỏng. Luoonluoon chúng ta rầy vò một phần người của chúng ta.
Là những người ham mê vật-dục, chúng ta kết án xác-thịt, cho nó là thủ-phạm trong sự đọa-lạc của chúng ta. Chúng ta cần phải kiềm-chế nó, bẻ bắt nó, hành hạ nó. Chúng ta bèn tôn cái trí-nghĩ rất điềm-đạm, rất khôn-ngoan, rất mực-thước lên địa-vị bá chủ để nó cai-trị chúng ta.
Là những người bị tình-cảm lộn-sộn đưa đẩy và quấy-rối, chúng ta buộc cho trái tim của cái tội lông-bông. Chúng ta muốn rèn luyện con tâm của chúng ta, muốn đem kết-tụ tình cảm của chúng ta xung-quanh một ý muốn ích-kỷ mà ta gọi là chí-hướng.
Là những người tri-thức bất-lực, chúng ta qui tội cho khối óc không đủ lực-lượng để thực hành những kiến-thức rất quý hóa của chúng ta. Và chúng ta đi tìm những phương-pháp cấp-tốc để bồi bổ thân-thể.
Luyện tri-nghị, lập chỉ hướng, bồi-bổ thân-thể, đó là ba phép tu thân mà chúng ta thường dùng để làm cho con người chúng ta hoàn-toàn (?)
Nhưng những phương-pháp ấy có làm cho chúng ta bớt đau khổ không? Đó mới là câu hỏi quan hệ, cần phải trả lời.
Ở những chương sau đây, chúng ta sẽ đem những phép tu-thân ấy lên bàn mổ, để tách-bạch những nguyên-tắc sai lầm và những kết-quả tai-hại của chúng.
Trong sự phê-bình này, thái-độ của chúng ta sẽ rất thiết-thực. Là những người lầm-lỡ, là những người đau khổ, chúng ta đi tìm con đường giải-thoát. Nhưng phương-pháp mà chúng ta đem áp-dụng với tất cả tấm-lòng nhiệt-thành của một tín-đồ kính-cẩn, có thể cứu vớt được chúng ta không hay có thể đưa chúng ta xuống vực thẳm được? Chúng ta có quyền hoài-nghi, có quyền lựa chọn, có quyền thí-nghiệm. Chúng ta sẽ không để một thiết nhân nào, một lý-thuyết nào lung-lạc chúng ta. Luôn luôn, ta chăm-chú vào một mục-đích đang theo đuổi:
« Giải-phóng, tập-trung và điều-khiển sinh-lực để tránh những thảm-trạng của những người yếu »
Chúng ta không cần phải mường-tượng đến những cuộc đời thần-tiên (?) của những người hoàn-toàn (?) Đó chỉ là những hình-ảnh tốt đẹp nhưng xa xôi và vô-hiệu. Ta đừng tìm cách an-ủi hay huyền-hoặc ta làm gì nữa!
Cái vòng ngu-muội nó đang giam hãm ta, cái hiện-tượng rối loạn và bế tắc ở ngay con đường ta... đó mới là một mặt trận nguy-hiểm cần phải phá vỡ. Đó mới là kẻ thù phải truy tầm luôn-luôn, đó mới là cái đích phải đánh trúng, đó mới là cái chỗ để trút bao nhiêu căm-hờn thù oán.
Giải-phóng trước hết là tàn phá. Phải vứt bỏ cái thái độ sợ sệt của đứa con nít cho mình là có tội và đang đợi một tình thương hay một tình yêu. Hãy gạt phắt những bàn tay mon trớn nó ngăn cản những tác-động cương-quyết; hãy thổi tan những làn gió nhẹ nhàng nó làm nguội cái ngọn lửa hung liệt của tuổi trẻ. Hãy tránh sự buồn rầu nó l àm quẩn trí. Muốn được sáng-suốt, chúng ta cần phải phẫn-nộ...