CHƯƠNG III
Lập chí hướng
Những người tâm-thần bất-định (đã nói ở chương III trong phần thứ nhất) cũng đi tìm một phương-pháp để thoát ra ngoài vòng khổ-sở của họ.
Nhưng họ không thích và không theo được cái phép rèn-luyện ý-chí (!) của các nhà mô-phạm khắc-khổ. Vì quá thiên về tình-cảm, trí nghĩ của họ vụng lắm, không biết suy-xét (!), chọn lọc (!) quyết-đoán (!) như những tín-đồ của ý-chí (!). Họ không thể dựa mình vào những quan niệm, những châm-ngôn trừu-tượng được (tuy rằng những cái này cũng chẳng chắc-chắn gì). Họ không thể hiểu được những chủ-nghĩa, những lý tưởng rất nhiền-phức, rất mơ-hồ của người trí-thức. Họ cần đến một cái gì gần-gặn hơn, cụ-thể hơn, dễ cảm thấy hơn. Họ mong-mỏi một phép tu-thân thích-hợp cho họ hơn.
Những ai sẽ là ân-nhân của họ?
Khác với ở chương trên, ở đây họ không có cái may — hay cái rủi — được gặp một phương-pháp giáo-dục, có hệ-thống, có qui-tắc nghiệt-ngã như phép rèn-luyện ý chí. Họ tìm ngay thấy ở trong hoàn-cảnh xã-hội, trong phạm-vi gia-đình, hay trong đời riêng của họ những sự kích-thích mãnh-liệt mà họ cho là những phương-thuốc công-hiệu. Từ lâu, nay, có một vài nhà tâm lý học như Coué, Philippe Rémy... đã mang khảo-sát những hiện-tượng tâm-lý ấy và lập một phép rèn-luyện ý-chí khác để đối chọi và phá đổ cái phép rèn-luyện ý-chí của các nhà mô-phạm cổ-hủ.
Phương-pháp của Coué không đưa vào cái phần hữu-thức của con người nó chứa đựng những quan-niệm, những tư-tưởng đã nhắc đi nhắc lại mãi, cũ-kỹ quá, mòn-mỏi quá, suy-yếu quá không còn năng-lực gì. Cái cốt-trụ của phương-pháp Coué là tiềm-thức; cái kho dục-vọng, tình-cảm và ý-nghĩ rất xác-thực, rất bí-mật, rất sôi-nổi. Ở đây cái chủ tướng đã điều khiển sự sống không phải là bằng bà lão lý-trí cau-có và gầy sẹm. Đây là một niên-thiếu anh-hùng, rất tài-hoa, rất lãng-mạn, rất phóng-túng, rất hăng hái, chủ trương ở đây là trí tưởng-tượng.
Trong tiếng nói hằng ngày, ta thường dùng một chữ "nghĩ" (cũng như trong tiếng Pháp dùng chữ penser) để chỉ hai trạng-thái hoạt-động tâm lý khác nhau:
1.) Nghĩ, theo kiểu các nhà mô-phạm, tức là đem thu nhặt tất cả những hình ảnh hiện ra trong óc, dù mới hay cũ, đẹp hay xấu, rõ hay mờ…, rồi đem lựa chọn, đối chiếu, chấp nối, ràng buộc cái nọ vào cái kia, cho thành ra những quan niệm, những hệ-thống có đường lối nhất định, có qui-tắc rõ ràng. Những công trình ấy (mà họ cho là do một tay Lý-trí làm nên) họ coi là những lợi khí rất màu nhiệm để sai khiến thân-thể và trái-tim, để tạo ra những tác động hữu ích và hợp v ới lẽ phải.
2.) Phái Coué cho rằng nghĩ như thế là vô hiệu. Người ta không thể nào dùng lý-trí để tách hẳn những tư-tưởng ra ngoài dục-vọng và tình-cảm được.
Nghĩ, theo kiểu Coué, không phải là đem huy-động tất cả những hình-ảnh mà thần-kinh-hệ đã ghi nhận được. Nghĩ là đem tập-trung một loại, một số hình ảnh, những cái rõ nhất, mạnh nhất, đem kết-tụ, chúng xung quanh một tình cảm, một dục vọng nào đó. Rồi cầm đoán, xua, đuổi những hình ảnh nào phản đối hoặc thờ ơ với cái tình-cảm hay cái dục-vọng đã được chọn làm trung-tâm điểm ấy. Đó là công việc rất khó khăn của trí tưởng-tượng. Cái đặc tính của trí tưởng tượng khi đã được rèn luyện để làm nổi công việc ấy cũng gọi là ý chí nhưng khác hẳn với cái ý chí-tê-liệt của các nhà mô-phạm.
Thường thường thì sự nghĩ của chúng ta không có tính-cách nhất định. Khi thì ta nghĩ theo kiểu các nhà mô phạm một cách khô khan quá; khi thì ta lại nghĩ theo kiểu Coué. Nhưng Coué lại cho rằng nếu dùng trí tưởng-tượng mà không có phương-pháp, thì sự nghĩ lại thành ra lông-bông không có kết quả gì. Trái lại, nếu rèn luyện được trí tưởng tượng và cho nó đi đôi với một tình-cảm, hay một dục-vọng thì những tư-tưởng nóng hổi ấy sẽ mãnh-liệt vô cùng. P. E. Lévy đã đặt ra năm định-luật sau này để chỉ rõ cái công-dụng của tư-tưởng:
- Tư-tưởng làm nảy ra cảm-giác mới.
- Tư-tưởng làm át được những cảm-giác khó chịu.
- Tư-tưởng làm cho ta nghe thấy hoặc trông thấy những cái xa vắng.
- Tư-tưởng làm động đến phủ-tạng.
- Tư-tưởng biến thành tác-đ ộng.
Philippe Rémy thì nhất định đánh đổ cái lý-thuyết ý-chí của các nhà mô-phạm, để thế vào đây cái phương-pháp mới của Coué:
« Ý-chí mà đối chọi với trí tưởng-tượng thì bao giờ trí tưởng-tượng cũng thắng. Và lúc đó, không những ta không làm được những điều đã dự định, mà ta lại còn làm trái hẳn lại với điều ta dự-định. Ta càng cố gắng dùng lý trí bao nhiêu, ta càng làm trái với lý trí bấy nhiêu ».
Rút cục, lý-trí phải phế bỏ đi, tình-cảm được nâng lên một địa-vị quan-trọng để đốt nóng trí tưởng-tượng và đưa nó đi làm những việc phi-thường.
Nếu chúng ta thiên về tình-cảm, thì không còn phương-pháp nào hợp ý hơn nữa.
Vậy thì những người tâm thần bất định đã tự huấn luyện như thế nào?
Lập chí là điều họ nghĩ đến trước nhất khi họ đã thấy chán ghét cái cuộc đời tầm thường, nhỏ nhen, rối loạn, vô ích, vô-vị của họ.
Lập chí là thế nào?
Thường thường người ta xông ra làm việc, cố gắng, chiến-đấu là do một lòng ham muốn thúc dục: ham giàu có, ham danh vọng, ham sắc đẹp, ham tài hoa. Hoặc là có một tình cảm thúc dục (tình thân ruột thịt, tình bạn, tình chủng-loài, tình nhân-loại…) Nhân những lúc bị kích-thích ấy, người ta dùng trí tưởng-sôi nổi tạo ra hình-ảnh một cuộc đời ưa thích. Người ta lại đi tìm những sách vở, những tranh ảnh, những lời khuyến khích… để bồi-đắp, để tô điểm cho cái hình ảnh ấy thực rõ rệt, thực rực-rỡ. Người ta mang theo nó luôn bên cạnh để nâng đỡ cho mình trong những lúc đuối sức, để thúc-đẩy mình trong những lúc biếng-lười.
Lại có khi người ta hành-động chỉ vì một tấm lòng hiếu-thắng. Người ta không cần đến hình-ảnh một tương-lai, người ta chỉ cần đạt được cái ý-muốn hiện-tại Mỗi lần cố gắng chỉ để cho toại lòng tự-ái.
Dù sao, cái mục đích hoạt-động của họ cũng rõ-rệt. Chỉ hướng là cái ngọn roi bền-bỉ mà bất cứ lúc nào họ cũng có thể sai khiến được để quất những con ngựa lười biếng và hư thân — là cái trí nghĩ, cái thân-thể, những tình-cảm, những năng-khiếu của họ.
Lập-chí là làm thế nào cho tư-tưởng, tình-cảm và hành-vi được chuyên-cần và duy-nhất. Hoặc là dùng một ý-muốn hoàn-toàn vị kỷ, hoặc là dùng một ý muốn vị-kỷ xa xôi khác một hình thức duy-tha gian-trá. Nhưng bao giờ cũng phải có một ý muốn để làm nền tảng cho cái chí. Người chưa lập chí, người không lập-chí là người không có một ý muốn mãnh-liệt để làm chủ những ý muốn khác.
Đó là những người vô chí, những người khốn-khổ. Họ không có một ý muốn để chủ trương đời sống. Họ chỉ có những ý muốn leo-lét bàng bạc, chúng nhường nhịn nhau, rồi lại tranh dành nhau loạn xạ, không ra làm sao cả. Ở thân-thể và tâm-hồn, diễn ra những trạng-thái hỗn-độn của một cảnh vô-chính-phủ không thể sinh-tồn được.
Những người tâm-thần bất-định toàn là những người vô-chí. Họ khao-khát ngồi đợi những kích-thích mãnh-liệt, những tai nạn bất kỳ, những cuộc đảo lộn ở bên ngoài để đánh thức sự sống họ dậy. Họ đợi những tiếng sét của ái tình: người đàn bà, lúc bấy giờ, đối với họ là một cứu-tinh. Nếu làm cho họ "yêu" được, thì nghĩa là đàn bà dù đẹp xấu, dù ngoan dù hư, cũng được coi là một thần-trượng để họ thờ-kính phụng-sự. Họ đã tìm thấy cái chí hướng của họ, là sống cho một người đàn bà.
Nhiều khi, chí hướng lại đến tìm họ một cách tàn-nhẫn hơn. Sự ruồng bỏ của cha mẹ, bè bạn, sự khinh-thị của xã hội, sự xa-sút... thường đánh vào họ những đòn rất đau. Lòng tự-ái chồm dậy. Họ thấy phải cố gắng để lấy lại lòng tin của gia-đình, để xã-hội phải vi-nể, để những kẻ thù phải sợ-hãi. Trong một lúc phẫn-khích, họ thấy cái lòng ham danh chuộng lợi mà xưa kia họ tưởng là không có — nổi dậy như một ngọn gió mãnh-liệt nó lôi kéo họ đi.
Lại có khi vì bè bạn nâng đỡ, vì được chịu ảnh hưởng của một sinh-lực rồi rào, họ cũng cố thu-thập tàn-lực để đi một con đường nhất định. Song những sự kích-thích giả tạo nhất cho họ thường ít khi là tình thương, tình yêu, phần nhiều họ chỉ vì phẫn-uất mà đứng dậy cả.
Tuy nhiên, những trường hợp giải thoát lẻ loi, có tính cách cá-nhân như thế rất ít. Phần nhiều, số phận những người tâm-thần bất-định bị buộc liền vào số phận hoàn-cảnh của họ. Khi hoàn-cảnh im-lìm thì họ đành nằm bẹp, vậy mà khi hoàn-cảnh thay đổi và linh-động thì họ lại là những người xông ra trước nhất, hoạt động nhiều nhất.
Họ là những người bị liệt và bị động.
Cái phẩm-tự bị-động có khi lại rất đúng cho những người tưởng chừng như hoạt-động nhiều. Đó là những con cưng của những gia đình khuôn mẫu, tâm-trí bị nhào-nặn từ tấm-bé trong những thành-kiến dầy-đặc. Lúc lớn lên, họ không bao giờ băn-khoăn về ý nghĩa sự sống, về trách-nhiệm con người. Họ hăm-hở tiến vào vào những con đường vạch sẵn. Họ ham-mê chạy theo những mục-đích có sẵn. Họ tự-phụ vì những tài-hoa, những sự-nghiệp của họ. Họ chỉ quên rằng họ là những hòn lăn mà người ta đã để lên đầu dốc...
Trong xã-hội Việt-nam hiện thời, sự lập chí lại bắt đầu khoác một hình thức mới. Cái hình-thức này, ông Ossip-Lourie hội-viên hội Tâm-lý bệnh học Pháp đã khảo-xét kỹ-càng trong một cuốn sách nhan đề là L’arrivisme (Cái bệnh hãnh-tiến).
Đó là những tà dục-vọng cuồng dại nó xô-đẩy người ta đi theo đủ mọi cách để đạt một mục-đích ích-kỷ trong một thời hạn rất ngắn ngủi. Nó xui dục người ta chiếm lấy ngay địa-vị xã-hội quan-trọng để cai trị, nâng cao giá-trị của người ta lên. Tùy theo khuynh-hướng của từng xã-hội từng thời đại, những kẻ hãnh-tiến, đua nhau đi tìm danh hoặc lợi. Họ chỉ cốt sao cho thực mau chóng, nên họ hoạt-động một cách gay-go dữ-dội. Ở họ, những tình yêu thương đầm-ấm bị bóp chết cả. Khi cần phải đắc-thắng thì họ có thể ruồng-rẫy tất cả mọi thứ tình-thân. Trong buổi tranh bá đồ vương đời chiến-quốc, ta đã thấy có những kẻ chém vợ giết con để cầu công danh phú quý. Ngày nay, thế-lực kim-tiền còn xui bẩy người ta làm những việc độc-ác xấu xa hơn nữa.
Những người hãnh-tiến có một đặc-tính nữa là rất thích phô-trương tiền của, danh giá. Họ phải cần đến sự khen ngợi của thiên-hạ như con cá cần đến nước vậy. Họ làm đủ các trò lố-bịch hay tàn-nhẫn để cho người ta để ý đến họ, khâm phục họ.
Một điều nữa, là bọn hãnh-tiến rất bảo-thủ. Trong cảnh lâu-đài của xã-hội, họ đã bắc những thang dây, nhảy qua cửa sổ, để ngồi lên thượng tần. Rồi họ không muốn ai vào nữa, không muốn cho ai lên nữa. Họ nghiệt-ngã với những người đi sang và tìm mọi cách để cản trở những sự thay đổi. Nếu xã-hội không cần đến hóa mà chỉ cần bảo-tồn, thì bọn họ có công to nhất.
Cái bệnh hãnh-tiến, theo ý Ossip-Lourié, là một mối nguy lớn cho xã-hội. Bởi vì sự hoạt động của bọn ấy chỉ làm tiêu mòn những lực-lượng lao-cần căn-bản của xã-hội. Ossip Lourié lại buộc tội cho hoàn cảnh tâm lý của xã-hội đã gây nên cái họa hãnh-tiến. Khi trong một xã-hội, chỗ nào cũng chỉ nói đến tiền, chỉ trọng tiền, khi cái không-khí tiền đã làm thui chột hết cả những nguyện-vọng đẹp-đẽ, thì cái họa hãnh-tiến đâm chồi ra như cỏ mọc vườn hoang vậy. Theo ý Ossip Lourié những kẻ hãnh-tiến không phải là những phần-tử khỏe-mạnh trong sạch đáng quý của xã-hội. Đó chỉ là những kẻ hèn kém nhất, « vì bị hắt hủi nhiều, bị khinh bỉ nhiều, nên quay trở lại trả thù xã-hội ».
Nếu lập-chí thực là quan hệ cho sự sống, thì bọn hãnh-tiến đã được coi là những vĩ-nhân rồi.
Trong tiếng Việt-nam ta, hai chữ ý-chí mới nhập cảng, và còn bỡ ngỡ lắm (âu cũng là một cái may !). Mấy chữ thường dùng từ đời xưa, khi nói đến những hành-động mạnh liệt và chuyên-nhất, là chí, chí hướng, lập-chí, gan, thi gan. « Có chí làm quan, có gan làm giàu », câu phương-ngôn này chứa dựng tất cả cái triết-lý của người Việt-nam về vấn-đề nghị-lực.
Chúng ta đã hiểu cái gì là cái chí, cái gì là cái gan. Chung qui, hai thứ ấy cũng chỉ là một. Đó là sự tập trung sức-lực (tư tưởng, tình-cảm, hành-vi) xung quanh một mục đích ích kỷ. Chỉ khác là người có chí thì theo đuổi mục-đích ích-kỷ một cách xa xôi, che đậy, và người có gan theo đuổi một mục đích ích-kỷ gần-gặn, rõ-ràng.
Điều cần là xét xem sự lập chí, sự thi gan có làm cho ta thiết-lập được cuộc đời hoạt-động đẹp đẽ không, có cho ta hưởng cái hạnh-phúc phóng-khoáng của đời sống không?
Trong cuốn Nguồn sinh-lực, tôi đã trình-bày những cảnh luân-quẩn khốn-nạn của những người ích-kỷ rồi. Nay chỉ xin nhắc lại rằng cái bản-ngã của chúng ta, dù có được tô-điểm đẹp đẽ đến mức nào, cũng chỉ có một ác quả là cản-trở sinh-lực. Một người ích-kỷ không thể nào khỏe được, không thể nào sung-sướng được, không thể nào làm việc lâu bền được. Khi người ta chỉ đăm chiêu vì một mục-đích, ích-kỷ, khi người ta chỉ bắt thân-thể và tâm-hồn co rúm lại để nhảy về một phía, tức là người ta đã làm sai bản-tính thiên-nhiên của con người rồi. Làm như thế cũng tức như là chọc thủng mắt để đỡ nghe cho rõ, hay là cắt bộ-phận sinh-dục đi để cho tâm-hồn được thanh-cao, (như kiểu mấy nhà sư ở Nam-kỳ). Đó chỉ là những hành-vi điên dại.
Xét kỹ ra, thì cái chí, cái gan, cũng chỉ là những hình-thức của tính sợ hãi. Vì người ta sợ hiu-quạnh, người ta mới quyết chí đi tìm ái-tình; vì sợ đói rết, người ta mới quyết chí đi tìm tiền của; vì sợ nhục nhã, người ta mới quyết chí đi tìm danh giá. Vì người ta thấy bản-thân mình yếu-quá, nghèo quá, rỗng quá, tệ quá… người ta mới khao-khát đi tìm mọi thứ để bồi đắp, để tô-điểm cho nó. Lúc nào người ta cũng đăm-chiêu, cũng lo toan, cũng khắc-khoải như một tội-nhân đang chạy trốn.
Trong cảnh huống ấy, sinh-lực không thể phát-triển được, tài hoa không thể nảy nở được đầy đủ. Bo bo vì một mục-đích ích kỷ, tức là đi trốn sự sống hồn-nhiên, tức là bỏ hình bắt bóng tức là quên mất cái cái kho kỳ-thú vô-tận của thiên-nhiên, tức là tự hy-sinh cho một sự ngu-muội vậy.
Muốn rút hẳn với cái chí, cái gan nó thường ám-ảnh chúng ta, tôi xin mời các bạn hãy lắng tai nghe Panait, Istrati, một nhà văn-hào nổi tiếng là có một sinh-lực phi-thường:
"Có kẻ cố đăm chiêu chạy đi tìm sự sung-sướng thỏa-thuê. Nếu hắn đạt được mục-đích, đắc-thắng, giàu sang, quyền thế, thì hắn cũng chỉ đáng khinh; mà nếu hắn bị thua, bị ngã thì cũng không đáng phàn nàn. Có nghị-lực như những kẻ đang day tay mắm miệng ấy thì buồn lắm — Muốn có nghị-lực, thì trước hết phải rút bỏ cái thứ nghị-lực phường tuồng kia đi đã."