CHƯƠNG IV
Bồi bổ xác thịt
Trước hết ta phải phân biệt sự bồi-bổ xác-thịt với sự giữ-gìn thân-thể, sự quí-trọng sức khỏe.
Quí trọng sức khỏe là theo những phép vệ-sinh rất giản-dị và rất bổ-ích như: ăn uống có tiết độ, làm, nghỉ có chừng mực, năng thở hơi ở nơi thoáng khí, năng vận-động gân cốt, năng tắm rửa sạch-sẽ... Đó là một cách bênh-vực sự sống, một cách yêu sự sống, một cách sống thông-minh. Ta phải ca ngợi nó, thực hành nó, và cổ-động cho nó.
Trái lại, ta phải đề-phòng, phải phá đổ một khuynh-hướng rất tai-hại mới nhập-cảng xử này trong ít lâu nay cùng với một phong trào Âu-hóa rất nồng-nhịêt : đây là một phương-pháp tối-tân, tỏ nhiều màu khoa-học. Nó mới thành-hình trong vòng vài chục năm nay, đồng thời với những sự phát-minh của các nhà sinh-lý-học về nội-hạch, về sinh-tố, về máu, về vi-trùng... Người ta mang áp dụng nó trước nhất, trong những xã-hội tư-bản (nhất là ở Mỹ) cho những bọn triệu-phú đã vì sự cạnh-tranh khốc-liệt mà bị sơ-sác từ thân-thể đến tâm-hồn. Hồi ấy bác-sĩ Voronoff, chuyên môn tiếp hạch sinh-dục của loài khỉ cho những người suy nhược, đã kiếm được rất nhiều tiền của các nhà tư-bản ở hai bên bờ biển Atlantique. Theo ý Voronoff thì người ta có thể cải lão hoàn-đồng được cho một người già nếu người-ta làm thế nào luôn luôn mang được vào trong máu người ấy những chất dịch-khỉ do hạch sinh-dục của chúng còn khi đang cường-tráng tiết ra. Voronoff cũng với các môn-đồ đã dùng phép giải-phẫu để ghép những cái hạch khi ấy vào chỗ gần bộ-phận sinh-dục của người, làm ra những hạch «nhân tạo». Những cái này nếu nó bám rễ được vào ngài, thì những chất dịch-khỉ (hormones sexuelles) của nó sẽ chảy vào máu ngài, và kích-thích mạnh-liệt các cơ-quan trong thân-thể ngài. Chỉ trong vòng vài ba tháng, ngài sẽ độ da thắm thịt, những nếp răn trên trán, trên má ngài sẽ mất-đi, ngài sẽ yêu đời và, ôi hạnh phúc! ngài sẽ lại thấy yêu người đàn bà như khi ngài còn mười tám, hai mươi tuổi!!!
Lý thuyết ấy đã quyến rũ nhiều tay triệu-phú, và đồng tiền của họ bỏ ra cũng đã làm cho các nhà báo rầm-rộ nói đến Voronoff như một cứu tinh của nhân-loại!
Nhân đó, bọn trí-thức bất-lực (mà chúng ta đã gặp ở chương IV phần thứ nhất) bên đó sốt lên, vồ lấy lý-thuyết ấy, coi nó là một đạo bùa cứu mệnh. Nguyên do là tại tinh-thần của họ bạc-nhược quá rồi, họ không còn hy-vọng gì ở trái tim khô béo của họ nữa, ở khối óc mỏi mệt của họ nữa.
Luận theo cái điệu của một chủ nghĩa vật-chất nông-nổi, và làm sai lệch hẳn cái ý nghĩa của những sự phát minh về sinh lý, họ cho rằng có thể trong khoảnh khắc dùng một chai thuốc, một mũi tiêm, một chất bổ để khơi phục lại cho họ cái sinh-lực mà họ, đã tàn phá đi, trong bao nhiêu năm rồi. Họ đã đi tìm, đã nhặt những thứ đó ăn xúc-tích, chưa đựng nhiều chất đã tìm thấy trong sự phân tích máu và các tế bào. Họ ăn thật nhiều đường để mang chất ngọt vào máu, thật nhiều trứng, sữa, thịt để lấy chất đạm, chất mỡ, chất lân-tinh. Muốn bổ xương thì họ ăn nhiều chất vôi, muốn bổ gan, phổi, óc, thì họ tìm gan, phổi, óc của súc vật. Họ thích nhất là bồ-dục lợn và hạch sinh-dục của bò đực. Họ muốn thừa hưởng một cách trực-tiếp cái sinh-lực của những con vật đã chết đi rồi!
Ngoài sự ăn uống kỳ-dị ấy ra, họ lại còn dùng rất nhiều thuốc. Họ không tin ở thân-thể họ nữa. Ho, số, rức đầu, sổ mũi, mụn nhọt... đối với họ là những tai nạn tày đình. Đó cũng lại là những dịp rất tốt để cho họ làm những con bò sữa (để nộp tiền) và những con chuột bạch (để thử thuốc) cho những thầy lang và hiệu bảo chế.
Theo chân bọn trí-thức suy đồi này, là bọn nhà giàu ngu xuẩn. Ngồi lên đống tiền mà họ đã bóc lột và vơ-vét được một cách rất gay gắt, họ chỉ nghĩ đến tận-hưởng những khoái-lạc của xác-thịt. Sự hoang dâm vô độ thường làm cho thân-thể họ mỏi-mệt, chậm-chạp. Để đi trốn thần chết mà lúc nào họ cũng ngơm ngớp sợ, họ chỉ trông thấy có một lối ra là: sâm, nhung, cao, quế và thuốc tráng dương, bổ thận! Những thứ này mang lại cho họ những cái bụng to lớn và biến họ thành những con cừu non để cho bọn phù thủy trong nghề thuốc bóc-lột.
Tiện đây, ta lại phải kể đến những thiếu nữ phái mới đã học khoa sinh-lý ở mấy tờ tạp-chí chuyên môn phỉnh-phờ sắc đẹp. Mấy nhà văn-sĩ đã dạy họ tìm những đồ ăn có nhiều sinh-tố và chất đạm, dạy họ xoa kem và uống nước đường trước khi đi ngủ, dạy họ luôn luôn phải đến các phòng thăm bệnh và các nhà bào chế, dạy họ phải coi người chồng sau này là một thằng mọi để bồi-bổ thân-thể và sắc đẹp cho họ. Sự phổ-thông khoa học y-học một cách ngu-độn này đã làm tiêu tán cái đức-tính can-đảm của người đàn bà Việt-Nam. Khác hẳn với ngày xưa, hàng phụ nữ ấy bây giờ sợ nuôi con và sợ những công việc nội trợ khó nhọc; họ chỉ nghĩ đến bồi bổ thân thể! Bên cạnh bọn thiếu-nữ ngây-ngô và thô-bỉ ấy ta không nên quên những chàng thanh-niên tin rằng bắp thịt là sức khỏe và cố làm mọi cách cho ngực nở bụng thon. Họ tập đu, tập tạ, tập chạy nhảy rất nhiều, rất chăm-chỉ, chỉ mong sao cho chóng có một thân-hình đẹp-đẽ như những lực-sĩ trên màn ảnh. Phần nhiều vì dùng sức quá độ sinh ra đau tim, đau ngực và mệt mỏi. Họ không thể chú ý được lâu để nghĩ, để học, để làm một công việc tinh-thần bền-bỉ. Họ bèn dùng dầu cá, dùng sữa tươi để tẩm bổ, và dùng cà-phê, rượu mạnh để kích-thích thần-kinh. Đó là những miếng mồi rất ngon cho bệnh lao và bệnh thương hàn.
Tất cả những người kể trên, — bọn trí-thức bất lực, bọn nhà giàu tham-lam, và bọn nam-nữ thanh niên ngày dài đêm đều hiểu lầm những luật sinh-lý rất quan-trọng. Họ có một quan-niệm vật-chất sai-lạc quá về con người, về sức khỏe. Họ không biết tôn-trọng con người, không biết quí-hóa sinh-lực. Họ chỉ biết bồi-bổ thân-thể để cái này mang lại cho họ những khoái-cảm mà họ ước. Những đồ ăn bổ béo, những vị thuốc, những cách tập võ... cũng có mang lại cho họ ít nhiều kết quả mà họ trông thấy ngay. Thực ra, họ đã vô-tình bước chân lên con đường đoạ-lạc: họ rút nhỏ phẩm vị cuộc đời của họ vào trong việc phụng-sự thân-thể một cách hẹp-hòi. Lâu dần, họ thành nô-lệ cho thân-thể của họ nó càng ngày càng yếu đuối dần, và càng ngày càng đòi hỏi họ những nhu-cầu phiền-toái. Bị trói buộc vào đấy, họ không thể nào hiểu được những thú-vị phong phú của một đời sống thông-minh và giản-dị.
Xét cho kỹ ra, nguyên-nhân xâu xa của sự đọa lạc này, phải tìm ở trong sự suy đồi của văn-hóa tư-bản và ở những khuynh hướng mù-quáng của một số thầy thuốc trụy lạc. Trong Revue des deux mondes, từ năm 1933, R. d'Harcourt đã viết: «Trong xã-hội văn-minh đời nay, người ta chỉ muốn sống để hưởng những lạc thú vật-chất: người ta muốn xây-dựng hạnh-phúc trên sự yên ổn của người trường giả, trên sự đều-hòa vững-trãi của các phủ tạng. Lý tưởng của người đương thời là sự thái bình trong chỗ sâu thẳm của cơ thể tức là trong các tân-dịch». (1) Đi tìm hòa bình một cách thô-bỉ như thế, người ta đã làm mất hết ý nghĩa của sự sống».
D'Harcourt lại còn buộc tội khoa-học và khoa y-học một cách nghiệt-ngã hơn nữa: «Khoa-học đã làm cho thế giới khô-khan, lại còn làm cho bẩn-thỉu nữa. Ở con người, khoa-học không trông thấy phần tinh anh, mà chỉ biết có phần thú-vật. Khoa-học phụng-sự ráo-riết những thú tính hèn hạ của loài người, và rút nhỏ phạm vi cuộc đời vào trong vòng sinh-hoạt của phủ-tạng. Thực ra, con người ta nào phải đâu chỉ là một cái bộ-phận tiêu-hóa? Làm sao mà hiểu được sự sống khi không nhận thấy cái sinh-khí nó điều-khiển con người? Khoa y-học và khoa vệ-sinh đời này đã tiến quá vào chủ-nghĩa vật-chất, đó là một sự ngu-muội đen tối và xấu-xa».
Trong tình-trạng nhá nhem của khoa y-học ấy, một số thầy thuốc vô lương tâm đã reo rắc những lý-thuyết sai lầm rất tai-hại. Khuyên những thanh niên hăng-hái đi tìm cách trút bớt cái sinh-khí của tuổi dậy thì nó làm cho họ rối loạn; khuyên người ta ăn nhiều thịt và trứng vì những món ấy có nhiều chất đạm đã tìm thấy trong máu và trong các tế-bào; khuyên người ta bảo-hiểm sức khỏe bằng cách dùng thật nhiều thuốc tiêm và thuốc thụt... đó là những cách mạo-nhiểm nhất để chặt đứt cái gốc của đời sống và đưa người ta vào cõi tội-lỗi và bệnh-hoạn. Nếu khoa-học không được phổ-thông một cách khôn-ngon, thì những kiến-thức lờ-mờ của chúng ta chỉ tổ đẩy chúng ta vào trong tay những kẻ tham-lam và độc-ác mà thôi.
Trong ít lâu nay, có những nhà bác học uyên-thâm như các bác-sĩ Alexis Carrel, Paul Carton, Gaston Durville, Henri Arthus... đã đứng lên vạch rõ cái mối họa gây nên bởi sự bồi-bổ thân-thể một cách mù-quáng như thế. Theo ý các bác-sĩ ấy thì muốn chống cái khuynh-hướng quá vật-chất của y-học và của thời đại, người ta cần phải khôi-phục lại những giá-trị tinh thần ở con người. Nghĩa là người ta phải vượt ra ngoài giới hạn của các phần người vật-chất mà y-học đã mổ xẻ, soi xét, phân-tách tỉ-mỉ. Người ta phải công nhận rằng có một động-lực nó làm cho người ta sống, tuy rằng cái động-lực ấy, khoa-học chưa biết rõ nó là cái gì.
«Con người không phải là một khối vật im lặng; cái đặc tính của đời người là sự linh-động, linh-động ở bắp thịt, linh-động ở tâm-trí. Người ta là một bộ máy chứa đựng sinh-lực. Đã đành rằng các cơ quan trong thân thể, các chất tân-dịch là nền tảng cuộc sinh hoạt của chúng ta. Nhưng cái nguyên khí nó điều khiển sự tiêu hóa, nó làm cho tim đập, nó kích-thích các bộ-phận, nó có tạo ra sự sống, cái nguyên khí ấy chưa ai có thể phân-tích mà hiểu rõ được. Ta đừng vội tưởng rằng sinh-lực bị lệ-thuộc hoàn-toàn vào phẩm-chất của các tế bào, của các tân dịch, của các bộ-phận trong thân-thể. Sinh-lực chẳng phải là do vật chất đào tạo nên. Ta nên biết rằng tuy nó cũng bắt rễ vào cơ-thể một cách chắc-chắn, nhưng nó cũng còn liên-lạc với nhiều hiện-tượng nữa mà khoa học chưa khám phá được.» (1)
Cái quan-niệm mới mẻ và đầy đủ về con người này đã đề ra những phương-pháp vệ-sinh và trị bệnh rất công hiệu. Đó là chủ nghĩa «sống theo thiên-nhiên» (naturisme) và cách dưỡng sinh đúng như những luật lệ của sự sống. Tôi sẽ có dịp bàn đến trong những cuốn sách sau.
Ở đây ta chỉ cần nhận rằng: bồi bổ thân thể một cách không thông minh như một số người thường làm, không phải là kế sách vạn-toàn để đạt sức khỏe. Trái lại, chính vì thế, mà sức khỏe sẽ bị tiêu diệt rất chóng...